Một thầy giáo, kiêm MC khá có tiếng đã khiến cộng đồng mạng bất bình khi đăng một email xin nghỉ học của sinh viên với lý do người thân mất lên mạng, cùng với lời nhận định làm cho người đọc cảm thấy sự mỉa mai. Mặc dù theo giảng viên này giải thích, việc đăng tải với lời lẽ như thế là nhằm mong muốn sinh viên cứng cỏi hơn, đối đầu với thử thách trong cuộc sống, nhưng dư luận vẫn cho rằng, việc một giảng viên công khai thư riêng của học sinh, đồng thời không có lời chia buồn mà chỉ trách móc là hành động thiếu chuẩn mực người thầy, thiếu đi sự cảm thông giữa người với người trong trường hợp cụ thể là mất mát của gia đình sinh viên.
Một sự cố khác diễn ra trong giờ học online của sinh viên một trường đại học tại TPHCM. Khi sinh viên không nghe rõ vì tiếng mưa, nhờ giảng viên giảng lại thì bị giảng viên đuổi ra khỏi lớp. Câu chuyện ồn ào này chưa lắng xuống thì một giáo viên khác ở Quảng Trị, cũng trong giờ học online đã gây sóng gió dư luận khi có những lời lẽ chỉ trích học sinh lớp 11 của mình hết sức nặng nề.
Và ở chiều ngược lại, hành xử giữa học trò đối với thầy, cũng đáng buồn không kém. Em học sinh lớp 11 có lời lẽ tục tĩu, hỗn xược xúc phạm cô giáo khiến cô giáo mất kiểm soát, tuôn ra những lời không hay.
Câu chuyện trò vượt quá phận, thầy hành xử thiếu chuẩn mực, văn minh đã không còn hiếm trong xã hội ngày nay. Nhưng, không phải vì không hiếm mà có thể trở thành một sự hiển nhiên, có thể chấp nhận được. Làm thế nào để thay đổi thực trạng, làm thế nào để mối quan hệ thầy – trò luôn được duy trì ở sự chuẩn mực: trò kính thầy, thầy yêu mến trò thì đó lại là một câu chuyện dài, cần sự nỗ lực của nhiều người, nhiều bên, chứ không phải chỉ có thầy và trò.