Ông Ninh được xác định có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị. Ngoài ra, 3 Thứ trưởng Bộ GTVT cũng bị kỷ luật, 01 nguyên Thứ trưởng bị đề nghị kỷ luật về việc CPH cảng Quy Nhơn.
Người có công lớn trong việc đưa vấn đề mua bán cảng Quy Nhơn đầy bất thường ra ánh sáng là ông Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996 - 2001. Giữa năm 2016, ông Thanh phát hiện ra việc CPH cảng Quy Nhơn có dấu hiệu làm thất thoái tài sản nhà nước. Về tài sản, cảng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng được cổ phần với giá rất “bèo”. Sau đó, ông đã có đơn kiến nghị Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm rõ vấn đề CPH cảng Quy Nhơn.
Tất nhiên, bên cạnh ông có cán bộ, công nhân viên, lao động cảng Quy Nhơn – những người có thể nói nhiều thế hệ lao động trong gia đình họ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của cảng biển trọng điểm miền Trung này, từ năm 1975 đến nay.
Phải nói rằng, đó là những tấm gương dũng cảm, kiên trung biết đau, biết xót trước tài sản của Nhà nước bị “sang tên”, “chia chác”. CPH DNNN là một chủ trương đúng đắn nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, đổi mới mô hình tăng trưởng... Ngay hôm 8/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về đổi mới và phát triển doanh nghiệp khi chủ trì phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo tiếp tục yêu cầu: Cần đẩy nhanh hơn nữa việc CPH DN. Tuy nhiên, do thiếu công khai, minh bạch nên chủ trương CPH đã bị “nhóm lợi ích” lợi dụng, chia nhau “miếng ngon”, “đất ngon” ở các đô thị vốn thuộc về các DNNN.
Phải nói rằng, những người như ông Tô Tử Thanh xứng đáng là tấm gương “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà toàn Đảng đã và đang vận động. Không như một bộ phận đang “mũ ni che tai”, “ngậm miệng ăn tiền”, bàng quan, thờ ơ, vô cảm..., ông đã dũng cảm lên tiếng. Xin cám ơn ông trong việc góp phần làm rõ một sự thật, phơi bày một sự thật.
Ý nghĩa của việc ông làm không chỉ Nhà nước giành lại quyền “kiểm soát” cảng Quy Nhơn (dẫu hiện nay câu chuyện đền bù không đơn giản) mà quan trọng hơn, giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong việc CPH DNNN vốn đang có dấu hiệu “giẫm chân tại chỗ”.
Sự nghiệp đổi mới phải đặt lợi ích nhân dân làm trung tâm chứ không phải “nhóm lợi ích” là trung tâm. Nhân dân phải được tham gia giám sát các vấn đề lớn của đất nước!