Dùng cơ chế trọng tài để giải quyết “cục máu đông”

(PLO) - Việc tồn đọng quá nhiều vụ án tranh chấp thương mại, trong đó chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tại tòa án đang làm cho “cục máu đông” nợ xấu ngày càng xấu, trong khi theo số liệu của TANDTC, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại.
Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Mai, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Luật sư Trương Thanh Đức giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, tổ chức tin dụng tại Hội thảo

Vấn đề trên được nêu lên tại Hội thảo “Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hôm qua - 6/6.

Tòa tính bằng năm, trọng tài tính bằng ngày, tháng

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nợ xấu được ví như “cục máu đông”, nhưng đáng ngại hơn, “cục máu đông”đó lại trong một hệ thống tuần hoàn không thực sự mạnh. Nếu mở rộng ra hệ thống tuần hoàn đó nằm trong một cơ thể vừa phục hồi sau các cuộc khủng hoảng lại đang oằn người ra gánh nợ công như quả núi khổng lồ đặt lên…“Đây chính là điều đáng lo ngại nhất. Nợ xấu và nợ công nếu xử lý không tốt sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Đấy là lý do vì sao mà Quốc hội đang phải ráo riết giải quyết nhưng vấn đề này” – Luật sư Huỳnh nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Huỳnh, việc Quốc hội đang phấn đấu rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo Bộ luật Tố tụng Dân sự từ 400 ngày xuống còn 300 ngày, nhưng đó mới chỉ là trên lý thuyết, thực tế không vụ án nào xét xử dưới 400 ngày. Trong khi đó, giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thì thời gian ngắn hơn rất nhiều, nhưng vẫn chưa được nhiều DN lựa chọn. 

Không đưa ra số liệu cụ thể, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng. Dẫn báo cáo của TAND Tối cao, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại.

LS Trương Thanh Đức – CLB Pháp chế ngân hàng cho biết, VIAC với lịch sử hơn 50 năm nhưng nhiều tổ chức vẫn còn e dè khi coi đó là một tổ chức quốc tế.Về giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng, theo ông Đức, từ khi có Luật Trọng tài đã thay đổi toàn bộ cục diện.

“Từ năm 2010 đến nay phán quyết của trọng tài có hiệu lực y như bản án, tuy nhiên, cơ chế bản án với ngân hàng là chậm trễ phải xếp lịch mới được xử lý vì quá tải. Riêng Ngân hàng NN&PTNN đến nay đã có trên 6800 vụ. 1/8 trong số đó đã được giải quyết còn lại vẫn phải chờ giải quyết bởi bình quân tòa án phải mất 2-3 năm mới xử lý xong 1 vụ. Trong khi đó trọng tài chỉ mất 5-6 tháng…” – ông Đức thông tin.

Thủ tục trọng tài rút gọn - tiết giảm thời gian, chi phí các bên

Bắt đầu từ 1/3/2017, VIAC áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài mới với thủ tục rút gọn. Nếu như trung bình giải quyết một vụ án theo thủ tục thông thường hiện là dưới 200 ngày (năm 2015: 154 ngày; năm 2016: 153,6 ngày, cá biệt, có vụ án thời gian giải quyết tranh chấp chỉ là 24 ngày), thì với  thủ tục rút gọn, VIAC kỳ vọng thời gian trung bình giải quyết một vụ việc là dưới 100 ngày.

Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp đồng nghĩa với việc tiết giảm chi phí cho DN, song những lợi ích từ phương thức giải quyết tranh chấp này còn lớn hơn thế: Vụ việc được giải quyết bí mật, các bên được lựa chọn diễn đàn, trọng tài viên, luật sư tư vấn; cùng với đó là tính linh hoạt và chuyên môn của hội đồng trọng tài, cho phép tùy chỉnh thủ tục trọng tài phù hợp với điều kiện cụ thể. Không những thế, phán quyết của trọng tài được thực thi xuyên biên giới với 157 quốc gia đã phê chuẩn Công ước New York 1958- Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài…

Theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Viện Trọng tài London (MCiArb) , các yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp gồm: Bản chất tranh chấp không quá phức tạp; sự thiện chí, nỗ lực và kinh nghiệm tham gia tố tụng của các bên; khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của Trọng tài viên; sự chuyên nghiệp của Ban Thư ký trong hỗ trợ và điều phối quá trình tố tụng. 

Đây là lý do khiến cho trước đây, tuy chưa chính thức ban hành một thủ tục rút gọn, trong thực tiễn VIAC đã vận hành thành công những thủ tục giải quyết tranh chấp chỉ trong 24 – 49 ngày.

“Đánh giá các yếu tố trên đây và soi vào các đặc điểm của tranh chấp tín dụng, chúng tôi tự tin rằng sử dụng thủ tục trọng tài rút gọn để giải quyết tranh chấp tín dụng là hoàn toàn phù hợp” – ông Đạt nói.

Đại diện của VIAC cũng đưa ra khuyến cáo cho điều khoản mẫu cho hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo lãnh.

“Thực ra tranh chấp tín dụng chủ yếu là tranh chấp với bên thứ ba (bảo lãnh, thế chấp tài sản, thuê - kinh doanh trên tài sản thế chấp, bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), chứ giữa ngân hàng và khách hàng vay không có vấn đề gì lớn. Chính vì vậy, gỡ được chỗ này thì “cục máu đông” mới giải quyết được” - Luật sư Đức lưu ý.

Đọc thêm