Đừng để cử tri “dài cổ” chờ hướng dẫn Luật

Hôm nay (ngày 5/6), tại phần thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã góp ý về phương pháp, quy trình xây dựng Luật. Đặc biệt, có một nhược điểm của công tác xây dựng pháp luật mà kỳ họp Quốc hội nào cũng được nhắc tới, nhưng vẫn chưa khắc phục được, đó là tình trạng luật chờ nghị định, chờ thông tư

Hôm nay (ngày 5/6), tại phần thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã góp ý về phương pháp, quy trình xây dựng Luật. Đặc biệt, có một nhược điểm của công tác xây dựng pháp luật mà kỳ họp Quốc hội nào cũng được nhắc tới, nhưng vẫn chưa khắc phục được, đó là tình trạng luật chờ nghị định, chờ thông tư.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến

Theo thông tin từ Viện nghiên cứu lập pháp cho thấy trong số 13 luật mới đã có hiệu lực thi hành trong 6 tháng đầu năm 2013, có tới 8 luật chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tình trạng này khiến cử tri thắc mắc, băn khoăn tại sao luật đã có hiệu lực nhưng các cơ quan vẫn chưa thực hiện vì vẫn còn phải chờ hướng dẫn. Cũng có nhiều cơ quan rất lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện luật.

“Khuyết điểm này không mới, đã lặp lại nhiều năm, nhiều khóa Quốc hội. Trong khi đó biện pháp khắc phục cũng chỉ là nhắc nhở Chính phủ, các bộ, ngành cần tích cực hơn nữa. Theo tôi, để khắc phục tình trạng trên cần xem lại nguyên nhân và giải pháp từ chính Quốc hội.” Đại biểu  Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước- phát biểu.

Theo góp ý của đại biểu tỉnh Bình Phước: Trước hết, cần hạn chế việc xây dựng các bộ luật đồ sộ, những vấn đề lớn, phức tạp cần phải chia thành nhiều luật. Ví dụ, Luật đất đai có thể chia thành một số luật như Luật đất đai, Luật về thu hồi quyền sử dụng đất, Luật về quản lý đất công, v.v... “Nếu làm như vậy sẽ có điều kiện để quy định cụ thể hơn, góp phần hạn chế việc ủy quyền, luật sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nếu chúng ta để như hiện nay sẽ không tránh khỏi tình trạng phải chờ nghị định, chờ thông tư và kéo dài, chậm ban hành.” Ông nói.

Cũng theo ý của đại biểu này, khi thông qua luật, những vấn đề Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ hướng dẫn thi hành thì Quốc hội vẫn phải có trách nhiệm về vấn đề ủy quyền đó.

Cho nên các cơ quan được phân công thẩm tra các luật phải có trách nhiệm trước Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn thi hành luật, để đến khi có đầy đủ văn bản hướng dẫn và triển khai trước ngày luật có hiệu lực thi hành.

“Tôi đề nghị Quốc hội không được coi việc Quốc hội biểu quyết thông qua luật là xong nhiệm vụ xây dựng của một luật. Theo tôi, Quốc hội chỉ hoàn thành công việc xây dựng bộ luật nào đó khi luật đó thực sự đi vào cuộc sống. Tôi cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thông báo công khai tình hình triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Việc này sẽ giúp cho các đại biểu Quốc hội hiểu thêm mức độ hoàn thành của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội.” Đại biểu  Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước- đưa ý kiến.

Một đại biểu tỉnh Nam Định cũng bức xúc về tình trạng chậm chễ này. Ông đề nghị: ngay trong các dự án luật chúng ta sẽ ghi vào điều khoản thi hành một nội dung quy định rõ thời gian sau khi Quốc hội thông qua luật này thì bao nhiêu lâu Chính phủ và các cơ quan, các bộ ngành phải chuẩn bị xong và ban hành xong các văn bản hướng dẫn. Chúng ta luật hóa việc đấy để sau này chúng ta đánh giá, kiểm điểm xem trách nhiệm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong vấn đề như thế nào? Như thế luật đó mới có hiệu lực thực tế và đi vào cuộc sống.

Nhiều vấn đề tưởng như có thể khắc phục được ngay, những vẫn bị các đại biểu ví như một “điệp khúc không vui” được xướng lên trong các kỳ Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định- phát biểu:  Nhược điểm cố hữu của công tác xây dựng luật, pháp lệnh qua nhiều kỳ họp, thậm chí qua nhiều khóa Quốc hội là công tác chuẩn bị soạn thảo các dự án luật chậm, không đồng bộ, không đảm bảo tiến độ và chất lượng, dự thảo báo cáo chưa cao, việc điều chỉnh chương trình quá lớn, văn bản hướng dẫn thi hành luật và ban hành chậm, chậm gửi tài liệu cho các đại biểu Quốc hội nghiên.

 “Chúng tôi thấy Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa chỉ rõ những nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm về vấn đề này như thế nào, dường như Quốc hội chúng ta cũng chưa thật sự kiên quyết thực hiện những điều chúng ta đã xác định trong nghị quyết về công tác xây dựng pháp luật.” ông nói. Nhận định này của đại biểu tỉnh Nam Định được khá nhiều đại biểu tỏ ý tán thành.

Nhật Thanh

Đọc thêm