Cạnh tranh không lành mạnh ở mọi ngóc ngách
Trong điều kiện hội nhập và áp lực cạnh tranh của thị trường ngày một lớn, nhiều loại hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh đã xuất hiện như: “gây nhầm lẫn cho khách hàng” (bằng cách nhái nhãn mác, ăn theo các thương hiệu nổi tiếng: chẳng hạn Lavie và La Ville, Lavier, Lavige...; xe máy WAVE và WAKE UP, WASE, WAYTHAI; DREAM và DEALIM, DLEAM; thuốc cảm cúm Decolgen, Decoagen…), “quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh” (vụ dây cáp điện CADIVI và CADISUN); “Hành vi gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh đối thủ cạnh tranh” (chẳng hạn tin đồn rằng ăn bột ngọt (mì chính) của hãng bột ngọt Ajinomoto, nước mắm Chinsu “gây ung thư”, trong bia BIGI (Tiền Giang) có ruồi, trong chai bia Tiger có gián, băng vệ sinh P&G có chất amiăng gây hại cho người sử dụng…); “Bán hàng đa cấp bất chính” (Công ty TGM)…
Cùng với đó, những năm gần đây, thực trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh ở nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra ngày càng nhiều với các hình thức chuyển giá như: nâng giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, dịch vụ... tạo nên tình trạng lỗ giả lãi thật, gây thất thu ngân sách, khiến nhiều DN Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, DN trở thành 100% vốn đầu tư nước ngoài. Thực trạng này không chỉ làm thất thu thuế thu nhập DN mà còn tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ DN cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó thị trường, việc một bộ phận cán bộ thực thi nhũng nhiễu, gây phiều hà cho DN càng góp phần khiến cho môi trường kinh doanh rơi vào tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, mất đi tính cạnh tranh lành mạnh. Mới đây, vụ việc cán bộ hải quan Hải Phòng bị “bắt tại trận” nhận “chi phí ngoài luồng” của DN trong clip do phóng viên Báo Lao động thực hiện đã làm xôn xao dư luận. Hay tháng 10/2017, xuất hiện đoạn ghi âm cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vòi tiền của DN. Tuy không khởi tố điều tra, nhưng căn cứ theo kết luận của cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh, Cục Thuế Hà Tĩnh đã tiến hành tổ chức kiểm điểm theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính với cán bộ của Chi cục Thuế TX Kỳ Anh.
Những ví dụ này cho thấy một phần thực trạng mà DN vẫn kêu là bị “hành” khi thực hiện các thủ tục hành chính. Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 cũng cho thấy “lót tay”, “chi phí ngoài quy định” vẫn là “đồng tiền khôn” trong khu vực công. Còn theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do VCCI công bố, các DN cho biết, sau nhiều năm tăng, năm 2017 chi phí không chính thức đã giảm cả ở tỷ lệ DN phải chi trả loại chi phí này; tỷ lệ phần trăm trong thu nhập mà DN phải bỏ ra để chi phí không chính thức cho cán bộ nhà nước; và chi trả “hoa hồng” (chi phí không chính thức) để trúng thầu.
Nhưng khảo sát các DN FDI cho thấy, vẫn có 45% DN cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi chi phí không chính thức từ DN; và cùng tỷ lệ này DN phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Có tới 53% DN phải chi trả chính không chính thức để thúc đẩy việc thông quan. Báo cáo PCI 2017 cảnh báo: “Mặc dù DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam có thể chấp nhận tình trạng này như một phần của cuộc chơi, tuy nhiên tham nhũng có thể là một trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai”.
Sẽ có Ủy ban quốc gia để xử lý cạnh tranh không lành mạnh
Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh kể trên nói chung còn hết sức khiêm tốn. Điều này có nguyên nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, nhiều vấn đề quan trọng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế, các hành vi hạn chế cạnh tranh, tố tụng và điều tra các trường hợp vi phạm cạnh tranh, các biện pháp trừng phạt so với các biện pháp khoan hồng… sẽ được giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi lần này.
Giới thiệu về dự thảo Luật được chỉnh lý tại Hội nghị tham vấn ý kiến về dự thảo Luật này mới đây, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong các nội dung chỉnh lý, nội dung quan trọng nhất là bổ sung Chương VII - Ủy ban cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Ủy ban này. Chương này được bổ sung do nhiều ĐBQH hoài nghi về tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi luật của cơ quan cạnh tranh trong tương lai khi dự thảo Luật chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này. Trong khi theo Luật Cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh là cơ quan hành chính bán tư pháp, có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng cạnh tranh một cách độc lập.
Nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam vẫn đề nghị cần quy định đặc thù cho Ủy ban này (dù còn nằm trong Bộ Công Thương) để thực sự là một cơ quan quản lý về cạnh tranh xứng tầm của quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, dự thảo Luật đã bảo đảm cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia thực hiện cùng lúc làm 2 chức năng: quản lý nhà nước và xét xử các vụ việc cạnh tranh nên được bảo đảm sự độc lập (15 ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không phải nghe lệnh bất kỳ ai khi xét xử, chỉ tuân theo pháp luật). “Mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra tòa nên tôi phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng, cơ quan cạnh tranh có thể lạm quyền” – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Gặp gỡ với hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các DN, các Hiệp hội DN nhân kỉ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, giảm chi phí cho DN, trước mắt là cố gắng giảm 1% vốn vay cho DN và cắt giảm 35% thủ tục hành chính.
“Trong thời gian qua, Chính phủ cố gắng làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư. Điều này được thế giới đánh giá Việt Nam có bước tiến bộ, thuộc nhóm đầu của khối ASEAN. Các bộ ngành cùng Chính phủ cắt bỏ trên 5000 thủ tục hành chính, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh không tốt trên tinh thần Việt Nam có môi trường kinh doanh tự do minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 (tháng 5/2017), Thủ tướng đã dẫn chứng về “50 nghị định được ban hành liên quan đến đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN” để khẳng định với các nhà đầu tư, các DN về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao.
Theo Thủ tướng, môi trường này không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ kiểm soát được độc quyền kinh doanh mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh. Môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Hiện các bộ, các ngành vẫn tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho DN. Việc cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện đầu tư kinh doanh được triển khai bằng Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 và những cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mô hình hành chính công của nhiều địa phương, giảm thiểu thời gian đi lại, phiền hà cho người dân, DN. Các tỉnh, địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công: Đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan…
Từ đây, mục tiêu “tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng” đã được Chính phủ, cộng đồng DN hướng tới bằng những nỗ lực không ngừng, từ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại để kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc đến việc xây dựng đạo đức kinh doanh trong DN… Mục tiêu này không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng DN mà còn góp phần thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đem lại lợi ích cho hàng chục triệu người tiêu dùng trên thị trường nội địa, cũng như nước ngoài khi DN Việt Nam có thêm lực đẩy từ uy tín kinh doanh mà tiến ra thị trường thế giới rộng lớn.