Đừng để quyền lợi của người đi bộ bị “ngó lơ”

(PLVN) - Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn căn cứ tình hình thực tế để xây dựng lộ trình hạn chế một số xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai gần, người dân sẽ phải đi bộ nhiều hơn. Do đó, việc bảo đảm an toàn cho người đi bộ là rất cần thiết.
Các giải pháp giúp người đi bộ di chuyển an toàn hơn. (Nguồn ảnh: Internet)
Các giải pháp giúp người đi bộ di chuyển an toàn hơn. (Nguồn ảnh: Internet)

Tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ

Với mục tiêu giúp người đi bộ di chuyển an toàn hơn, nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội, TP HCM được trang bị cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ. Tại Hà Nội, các vị trí giao lộ và khu vực xung quanh các bệnh viện, trường học và các điểm có mật độ giao thông đông đúc có khoảng 70 cầu vượt, 39 hầm dành cho người đi bộ đã được đầu tư xây dựng với kinh phí “khủng”.

Về chất lượng, hầm đi bộ tại nhiều trục đường được thiết kế rộng, có bậc thang lên xuống và hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn. Hầm được đơn vị quản lý tuần tra 24/24h, riêng ca đêm bố trí 3 người thay phiên nhau giám sát từ 22h - 6h sáng. Vệ sinh dưới hầm được bảo đảm và luôn có nhân viên chỉ dẫn người dân khi cần thiết, nhất là đối với người khuyết tật.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở là một điển hình, dài gần 500m đi theo vòng tròn với 12 cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống dành cho người đi bộ, xe đạp với biển báo chỉ dẫn rõ ràng. Giống như nhiều hầm bộ hành khác, hầm được trang bị hệ thống thông khí, chiếu sáng cùng nhân viên túc trực.

Tại TP HCM, cầu vượt bộ hành tại nhiều địa điểm có cảnh quan chỉn chu, khang trang góp phần tạo cảnh quan thành phố. Nhiều cầu được thiết kế mái che nắng, che mưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi bộ qua đường. Việc vệ sinh cầu được bảo đảm với nhóm công nhân thực hiện dọn dẹp hàng ngày.

Cầu vượt bộ hành được đầu tư cơ sở vật chất tốt bậc nhất tại TP HCM với kinh phí hơn 10 tỷ đồng là cầu vượt bộ hành đường Nơ Trang Long nằm liền kề với khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu. Cầu có trang bị thang máy ở 2 đầu, giúp y, bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân người bệnh đến điều trị tại bệnh viện thuận tiện qua đường, giảm ùn tắc giao thông.

Từ năm 2017, hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ đã bắt đầu được “phủ sóng” trên nhiều tuyến phố nhằm giúp người dân chủ động và an toàn hơn khi muốn qua đường. Đến nay hình ảnh các cụm đèn tín hiệu sang đường với nút bấm báo hiệu đã trở nên quen thuộc với người tham gia giao thông.

Nhiều người vẫn “đi ngang về tắt”

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ đóng vai trò quan trọng giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, xuất phát từ nguyên nhân người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, tình trạng người dân “ngó lơ” cầu đi bộ, hầm chui, bất chấp nguy hiểm sang đường tuỳ tiện, không đúng quy định vẫn diễn ra thường xuyên.

Dù được đầu tư cơ sở vật chất tốt nhưng ở một số nơi cầu đi bộ vẫn không phải là lựa chọn ưu tiên của người dân bởi lý do lên cầu thang bộ xa và lâu hơn đi qua đường. Việc bậc thang quá cao và dốc khiến cầu đi bộ chỉ phù hợp với người trẻ, còn người già đi lại khá khó khăn. Hầm đi bộ cũng không thoát cảnh “ế ẩm” khi chưa được sử dụng hiệu quả, vắng bóng người qua lại. Nguyên nhân một phần do người dân thường chọn đi qua lòng đường để tiết kiệm thời gian, một phần do hầm đi bộ quá vắng vẻ khiến nhiều người dân ngại đi xuống.

Cụm đèn tín hiệu giao thông cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều người chưa biết đến và sử dụng các nút bấm. Dù có biển chỉ dẫn “Nút ấn điều khiển đèn dành cho người đi bộ qua đường” nhưng nhiều người dân không để ý, vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường dù xe cộ đông đúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Với tâm lý “đi ngang về tắt” và thói quen sang đường liều lĩnh, nhiều người đi bộ vẫn băng qua đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách, leo rào chắn, luồn lách qua dòng xe, thậm chí qua đường trên đường cao tốc, bất chấp các quy định về an toàn giao thông. Với việc “ngó lơ” các giải pháp an toàn nói trên, người đi bộ đã bỏ qua quyền lợi của mình và hậu quả có thể thấy rõ qua các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ qua đường không đúng quy định, thậm chí gây tai nạn nghiêm trọng.

Căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với các hành vi vi phạm: không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Nếu người đi bộ vi phạm giao thông như băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo thì có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Đọc thêm