Đừng đem thí sinh làm 'mồi' cho dư luận

(PLO) - Tin thí sinh Mai Anh Thái của chương trình “Nhân tố bí ẩn” vừa tự sát vì khủng hoảng sau khi bị dư luận “ném đá” đã khiến nhiều người giật mình. Một lần nữa, người ta đặt ra vấn đề: truyền hình thực tế phơi bày đời tư thí sinh trên sóng để câu khách, nhưng có đảm bảo cho thí sinh không bị ảnh hưởng đến cuộc sống, không trở thành miếng "mồi" cho dư luận?
Thí sinh Mai Anh Thái của chương trình “Nhân tố bí ẩn” tự sát sau khi bị khán giả tố lừa dối trên truyền hình.
Thí sinh Mai Anh Thái của chương trình “Nhân tố bí ẩn” tự sát sau khi bị khán giả tố lừa dối trên truyền hình.

Nghĩ quẩn vì bị tố lừa dối trên truyền hình

Xuất hiện trong một tập của cuộc thi “X Factor - Nhân tố bí ẩn”, thí sinh Mai Anh Thái đã khiến Ban giám khảo và khán giả lặng người về hoàn cảnh của mình. Tuy giọng hát không quá xuất sắc nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc và những gì Mai Anh Thái tâm sự sau màn ca hát đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Thí sinh này từ nhỏ đã sống trong một gia đình bất hạnh, bị người cha nát rượu thường xuyên bạo hành nên lớn lên Mai Anh Thái bị chứng trầm cảm, tâm lý không ổn định, né tránh mọi người. Việc Mai Anh Thái vượt qua những chướng ngại tâm lý để đến với cuộc thi, chịu thể hiện mình trước đám đông là nguồn động lực lớn với nhiều người bệnh trầm cảm khác.

Mai Anh Thái trong cuộc thi "Nhân tố bí ẩn"
Mai Anh Thái trong cuộc thi "Nhân tố bí ẩn"

Tuy nhiên, không lâu sau đó, thí sinh này đã bị tố giả vờ, dựng nên hoàn cảnh lâm ly để lấy lòng khán giả. Lý do là anh này từng lấy một cái tên khác xuất hiện trong nhiều cuộc thi âm nhạc thực tế trước đó, đầy tự tin chứ không có dấu hiệu gì trầm cảm. Có lẽ, trước sự “ném đá” ồ ạt của dư luận, một phút nghĩ quẩn, thí sinh này đã chọn kết thúc cuộc sống bằng một số lượng lớn thuốc an thần để tránh đối mặt với hiện thực. Hiện Mai Anh Thái đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải lọc thận tại bệnh viện.

Hình ảnh thí sinh Mai Anh Thái trong bệnh viện.
Hình ảnh thí sinh Mai Anh Thái trong bệnh viện.

Trước đây, một trường hợp thí sinh khác của cuộc thi “Nhân tố bí ẩn” này cũng từng có ý định tự sát khi bị dư luận “bóc mẽ” là tạo dựng hoàn cảnh, thân phận giả để tiến sâu vào cuộc thi. Đó là thí sinh Huyền Minh (thật ra là ca sĩ Anh Thúy, cựu thành viên nhóm Mây Trắng). Hay như một vụ lùm xùm khác đã xảy ra cho chương trình Điều ước thứ 7 của VTV khi dựng lên mối tình “ảo” lấy nhiều cảm xúc của khán giả giữa chàng trai con nhà khá giả, học tại Học viên Âm nhạc Quốc gia và cô gái khiếm thị quê… Khán giả đã phát hiện ra.

“Thủ phạm chính” vô can? 

Có một nghịch lý rất lạ, đó là khi những hoàn cảnh đáng thương, gây cảm động xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế, người được lợi nhiều nhất là nhà sản xuất, với việc thu hút khán giả, rating tăng cao. Nhưng một khi các sự cố lừa dối bị lộ, người gánh chịu thiệt thòi duy nhất hầu như chỉ là các thí sinh. Chính họ là người duy nhất phải đối mặt với dư luận, trực tiếp chịu sự chỉ trích, chịu áp lực tứ phía. Trong khi đó, nhà sản xuất chỉ cần vài lời giải thích “do sơ suất trong xác minh hoàn cảnh thí sinh”, hoặc chẳng cần lời giải thích nào.

Phải chăng nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế “vô can” trong các sự cố nói trên, lỗi là ở thí sinh vì mục đích đoạt giải trong cuộc thi mà lừa dối khán giả? Thí sinh Anh Thúy, ngay sau khi sự cố làm giả thân phận nổ ra, cô đã giải thích trên trang cá nhân của mình về những hành động “quá kịch” của mình như: bàn tay run rẩy, rụt rè khi tô son…

Theo Anh Thúy, tất cả những điều này là do đạo diễn chương trình hướng dẫn cho từng thí sinh, mỗi người “diễn” một cách riêng. Tuy nhiên, ngay sau đó, không hiểu vì áp lực nào mà cô ca sĩ đã xoá bỏ dòng trạng thái, mặc cho mọi chỉ trích dồn hết vào mình.

Khó có thể biện minh rằng, các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực tế không biết gì, bị thí sinh lừa. Mô típ “tâm sự đời tư” luôn được áp dụng ở hầu hết các chương trình truyền hình thực tế. Người ta thấy nào những chàng trai dân tộc thiểu số nghèo vượt khó, chàng ca sĩ nghèo đi phụ hồ, bán đá mưu sinh hay cô bé khiếm thị nuôi dưỡng ước mơ âm nhạc…

Chính vì thế, khi sự lừa dối diễn ra, người ta vẫn “nhắm mắt cho qua”, thậm chí kể cả khi bị phát hiện ra scandal, nhà sản xuất vẫn được lợi. Dường như, thí sinh đã trở thành một “diễn viên” trong vở kịch mà nhà sản xuất dàn dựng. Đời tư bị phơi bày, cái lợi thuộc về nhà sản xuất, nhưng ai sẽ bảo vệ cho thí sinh trước những sóng gió và áp lực ảnh hưởng đến cuộc sống của họ? 

Thiết nghĩ, đã đến lúc các chương trình truyền hình thực tế cần xem xét lại một cách thận trọng, nhân văn hơn. Hiệu quả kinh tế thì có, nhưng liệu đó có phải là cách kinh doanh mang tính nhân văn?