Rạng sáng ngày 18/2, cảnh sát đã bắt đầu các cuộc đàm phán với những người biểu tình, vốn đang tụ tập với số lượng ngày càng lớn trong những ngày qua nhằm bảo vệ các địa điểm biểu tình. Tình trạng bạo lực đã nổ ra sau đó tại gần Tượng đài Dân chủ ở trung tâm Bangkok.
Trung tâm cấp cứu Erawan cho hay, một cảnh sát và 2 người dân đã thiệt mạng do bị bắn vào đầu. Trung tâm Erawan là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát y tế trong bối cảnh bất ổn ở Thái Lan. Theo thống kê của trung tâm này, khoảng 60 người, gồm cả người biểu tình và cảnh sát, đã bị thương trong các vụ đụng độ. Trong đó, một số nguồn tin cho biết, một số cảnh sát đã bị thương do các vụ tấn công bằng lựu đạn và những mảnh đạn từ các vụ nổ bom.
Giới chức an ninh Thái Lan cho biết, 15.000 nhân viên đã được huy động để tham gia vào chiến dịch có tên “Hòa bình cho Bangkok” nhằm chiếm lại các điểm biểu tình xung quanh các tòa nhà các cơ quan của Chính phủ ở trung tâm và phía Bắc thủ đô của nước này.
Những hình ảnh được phát trên truyền hình cho thấy những đám mây hơi cay và cảnh sát đang nép phía sau những tấm khiên chống bạo động khi họ đụng độ với những người biểu tình ở gần tòa nhà chính phủ. Hiện chưa rõ bên nào bắn hơi cay song nhà chức trách nói rằng đó là những người biểu tình.
“Tôi có thể đảm bảo rằng các lực lượng an ninh không sử dụng hơi cay. Cảnh sát không mang theo hơi cay bên mình. Những người biểu tình đã bắn hơi cay về phía các lực lượng an ninh” – người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanathabutr khẳng định. Tuy nhiên, một số người nói rằng cảnh sát cũng đã nổ súng về phía người biểu tình.
Cảnh sát ngày 18/2 đã chiếm lại được trụ sở Bộ Năng lượng, vốn đã bị người biểu tình bao vây trước đó, và bắt giữ khoảng 100 người biểu tình. Đây là lần đầu tiên cảnh sát bắt giữ nhiều người biểu tình đến vậy kể từ khi phong trào chống Chính phủ nổ ra 3 tháng trước. Cho đến nay, cảnh sát Thái Lan đã kiềm chế sử dụng bạo lực với người biểu tình. Trước đó, họ đã cho phép những người biểu tình tiến vào các tòa nhà chính phủ trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng.
Trong một diễn biến có liên quan, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia Thái Lan trong một tuyên bố phát đi ngày 18/2 nói rằng, Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ bị truy tố về cáo buộc lơ là trách nhiệm đối với chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân và có thể bị cách chức nếu bị buộc tội.
“Mặc dù bà ấy biết rằng nhiều người đã cảnh báo về tệ tham nhũng trong chương trình này nhưng bà ấy vẫn tiếp tục thực hiện. Điều đó cho thấy chủ ý của bà ấy nhằm gây tổn thất cho Chính phủ, do đó chúng tôi đã thống nhất truy tố bà ấy” – ông Vicha Mahakhun, một thành viên của Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia cho biết trong tuyên bố. Theo thông báo của Ủy ban Chống tham nhũng, bà Yingluck sẽ bị triệu tập để nghe các cáo buộc chống lại mình vào ngày 27/2 tới.
Bà Yingluck là người đứng đầu Ủy ban Lúa gạo quốc gia. Chính phủ của bà đã giới thiệu chương trình trợ giá vào năm 2011, theo đó trả tiền mua gạo cho nông dân cao hơn so với giá thị trường đến 50%. Chính chương trình này đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong những người biểu tình chống Chính phủ. Những người biểu tình cho rằng chương trình này đã tiếp tay cho tham nhũng, vắt kiệt ngân sách và để lại cho đất nước một núi hàng tồn kho không bán được.