Đừng làm biến dạng lễ hội dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số lễ hội của người dân tộc thiểu số hiện nay chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính cộng đồng. Thậm chí, có những lễ hội cộng đồng được các đạo diễn dàn dựng, hướng dẫn nghệ nhân thực hiện theo kịch bản, rồi khoác cái áo “lễ hội dân gian” nhằm mục đích thương mại và lợi nhuận.
Nghi lễ múa Lộn trán xua đuổi tà ma trong lễ hội lồng tông (Tuyên Quang) đảm bảo tính nguyên gốc. (Ảnh: Mạnh Cường)
Nghi lễ múa Lộn trán xua đuổi tà ma trong lễ hội lồng tông (Tuyên Quang) đảm bảo tính nguyên gốc. (Ảnh: Mạnh Cường)

Nỗi lo lễ hội dân tộc thiểu số bị pha tạp, lai căng

Theo thống kê, hiện nay cả nước ta có khoảng 7.966 lễ hội, trong đó có trên 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88%), phần lớn trong số đó là do cấp xã quản lý (5.517 lễ hội-chiếm gần 70%). Nhìn vào số lượng lễ hội có thể thấy lễ hội dân gian ở nước ta rất đa dạng, phong phú, song hiện nay xu hướng đồng dạng hóa lễ hội đang trở nên phổ biến và khiến cho lễ hội dân gian đặc biệt ở dân tộc thiểu số phần nào trở nên nhạt nhòa, các lễ hội mất dần tính đặc sắc.

Lễ hội dân gian vốn gắn bó với từng làng quê, từng vùng, miền và mang tính đặc trưng. Song hiện nay lại được tổ chức theo một khuôn mẫu, một trình tự, một kịch bản gần như nhau, tạo nên sự đơn điệu, kém hấp dẫn. Một số lễ hội dân tộc thiểu số vẫn chưa khai thác được nhiều, vẫn bị thất truyền và lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng mai một. Bên cạnh đó, sự chi phối của yếu tố thương mại và lợi nhuận trong tổ chức lễ hội cũng đang là một thách thức, rào cản lớn trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa cổ và bản sắc dân tộc.

Có lễ hội được phục dựng chỉ để phục vụ, thu hút khách du lịch, nhiều yếu tố trong lễ hội được làm mới, xa lạ với truyền thống địa phương, cách thức tổ chức nhiều lễ hội dân gian chưa tốt, thậm chí lộn xộn, gây bất bình cho du khách và xã hội. Ví như sự kết hợp nhiều khi vụng về, chắp vá vội vàng các yếu tố của lễ hội dân gian trong các lễ hội du lịch hay sân khấu hóa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khó được du khách chấp nhận. Chưa kể “hội chứng kỷ lục”, “hội chứng xin nâng cấp lễ hội” cũng khiến cho sự ganh đua xảy ra, dẫn đến lãng phí và cả sự không đoàn kết trong cộng đồng. Điều này đang có nguy cơ khiến cho lễ hội bị sa đà vào xu hướng hình thức, pha tạp, lai căng, không còn thực chất là ngày hội của nhân dân...

Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi dịp tổ chức lễ hội là mỗi dịp báo cáo với Giàng về những sự kiện đã hoặc sắp sửa diễn ra của làng, gia đình hoặc dòng tộc. Đây thường là những sự kiện lớn, có sức lan tỏa rộng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Đi kèm với các sự kiện bao giờ cũng có nghi lễ cúng bái, tùy theo mức độ lớn nhỏ mà có đâm trâu hoặc chỉ mổ lợn, gà,... và làm đúng theo nghi thức truyền thống. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều không gian văn hóa, lễ hội của đồng bào đang dần bị hiện đại hóa.

Nhiều người dân đi lễ hội không phải vì để khấn vị thần được tôn thờ. Nhiều người đi hội cũng không biết lễ hội đó tôn vinh vị thần nào. Họ cứ đi và được hòa vào không khí tâm linh, như vậy đã là đủ. Đó là chưa kể nhiều người dân đi lễ hội không vì mục đích đi lễ mà mục đích của họ chỉ là đi chơi, lấy lễ hội làm không gian gặp gỡ, tụ họp... Nhiều người có mục đích đi lễ nhưng không hiểu biết về trình tự nghi lễ, lễ vật... Họ cầu cúng trong tâm lý chung là kéo thần thánh về gần với cuộc sống đời thường để phục vụ cho những nhu cầu cũng hết sức đời thường. Xu hướng này cũng góp phần làm hạn chế tính thiêng của lễ hội, khiến cho lễ hội trở nên tự do, thậm chí có phần tùy tiện, lộn xộn, “sân khấu hóa”.

Lễ hội cầu mưa của người Dao (Hà Giang) phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. (Ảnh: Internet)

Lễ hội cầu mưa của người Dao (Hà Giang) phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. (Ảnh: Internet)

Có lễ hội của người Mông, nhà tổ chức đã làm “sân khấu hóa” phông bạt xanh đỏ và hàng loạt các băng rôn, khẩu hiệu, là những thứ không thuộc không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Một số bài hát, điệu nhảy vốn không phải của dân tộc Mông, cũng được thể hiện, thậm chí còn do những đội văn nghệ chuyên nghiệp do người Kinh biểu diễn chứ không phải người Mông múa hát.

Lễ hội đâm trâu là một lễ hội rất có ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao, ghi dấu tinh thần đoàn kết của làng và dịp để “báo công” với thần linh. Sẽ không có chuyện gì đáng bàn nếu như ở phần chính của một lễ hội đâm trâu không xuất hiện những thanh niên mặc trang phục… thời thượng: quần jean, áo sơ mi và mang dép lê thực hiện nghi thức đâm trâu, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội cầu mưa người dân té nước cho nhau và cho khách qua đường với mong muốn năm tới sẽ có nhiều điều tốt lành. Theo truyền thống, nghi thức té nước cầu may được thực hiện bên bờ suối, bằng cách người ta “vẩy nước” vào người khác. Tuy nhiên, có nơi nghi thức này bị biến thể. Một số người dân thay vì “vẩy nước” thì đã dùng xô, chậu, thậm chí dùng cả máy bơm để phun nước vào bất kỳ ai qua đường.

Cần phát huy vai trò già làng, trưởng bản tổ chức lễ hội

Già làng Bhơriu Prăm (xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) nhiều lần trăn trở về văn hóa Cơ Tu đang dần bị “biến dạng”. Câu chuyện về “dùng rượu, bia thay rượu cần” cũng thường xuyên được già lấy làm ví dụ. “Bây giờ văn minh rồi nhưng không có nghĩa bỏ đi văn hóa của dân tộc mình. Nghĩ vậy là sai trái, đi ngược với sự bảo tồn đó rồi” - già Prăm từng nhắc nhở. Có rất nhiều nguyên nhân khiến rượu cần ngày càng vắng bóng ở các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Nhưng điều đau lòng nhất là ngay chính đồng bào cho rằng dùng bia tiện hơn nhiều so với ủ rượu cần với nhiều công đoạn rườm rà, tốn công sức. Bản sắc mất ngay trong nhận thức của chủ thể văn hóa. Nhiều lễ hội của đồng bào vùng cao thời gian gần đây ít thấy xuất hiện rượu cần, nếu có cũng chỉ để “tượng trưng” cho phần lễ lạt.

Không ít bà con, nhất là lớp trẻ hiện nay không mấy mặn mà với các lễ hội truyền thống nói chung. Giờ đây, môi trường diễn xướng đã nhiều thay đổi, không còn như xưa nữa nên tiếng chiêng, những câu hát dân gian đối đáp nam nữ và các điệu múa cổ truyền cũng không còn nhiều dịp được cất lên. Thay vào đó là những thùng loa to đùng với nhạc chạy chữ karaoke được dân bản cất lên.

Những “cơn gió ngoại lai” ấy là do nhận thức chưa thấu đáo về các giá trị văn hóa của cộng đồng để rồi dẫn đến việc tiếp thu, pha trộn thiếu chọn lọc hay tổ chức các nghi lễ, lễ hội, phong tục sai quy cách, phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực.

Lễ hội mừng lúa mới ở Tây Nguyên được bảo tồn. (Ảnh tư liệu)

Lễ hội mừng lúa mới ở Tây Nguyên được bảo tồn. (Ảnh tư liệu)

Để phục dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa lễ hội các dân tộc thiểu số, Bộ VHTTDL đã có văn bản yêu cầu các Sở VHTTDL chú trọng việc chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới tiến bộ nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

Các lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Lễ hội dân gian truyền thống không nên tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian. Các địa phương cần chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt. Tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đọc thêm