Người Dao Tiền gìn giữ trang phục truyền thống: Nỗ lực trao sức sống mới cho di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những điểm nhấn tạo nên dấu ấn riêng biệt của người Dao Tiền tỉnh Cao Bằng là trang phục. Trang phục dân tộc Dao Tiền nhã nhặn chàm và trắng, tinh tế với kỹ thuật nhuộm chàm và vẽ bằng sáp ong độc đáo hàng trăm năm.
Những người phụ nữ dân tộc Dao Tiền hướng dẫn cách vẽ và in sáp ong cho du khách. (Ảnh: Bảo Châu)
Những người phụ nữ dân tộc Dao Tiền hướng dẫn cách vẽ và in sáp ong cho du khách. (Ảnh: Bảo Châu)

Trang phục truyền tải ký ức văn hóa

Nằm trọn trong thung lũng xanh mướt mải, ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, xóm Hoài Khao thuộc xã Quang Thành, cách trị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình khoảng 20km và cách TP Cao Bằng khoảng 60km. Trong không gian bình yên quanh năm mây trắng này, bà con dân tộc Dao Tiền nơi đây đã lưu giữ kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong khoái vô cùng độc đáo.

Buổi chiều thu, nắng vàng ruộm chiếu vào lưng chừng núi, những cụ bà, cô thôn nữ ngồi trước sân nhà tỉ mẩn in hoa văn sáp ong lên thổ cẩm như những họa sĩ vẽ tranh. Vừa in sáp ong, chị Chu Thị Hạnh, 30 tuổi vừa giới thiệu nghề truyền thống hàng trăm năm của dân tộc mình với du khách.

Theo đó, các họa tiết trang trí của người Dao đều là những ký ức văn hóa, thể hiện nhân sinh quan của dân tộc này. Theo quan niệm của người Dao, cá chính là con vật có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Còn chim phượng hoàng có trách nhiệm đưa thư từ trần gian lên thượng giới. Trong khi đó, cúc áo bằng bạc của người Dao cách điệu bông hoa, trên có hình ngôi sao tám cánh là tượng trưng cho 4 phương tám hướng của trời đất. Trang phục của người Dao Tiền với những hình thêu cầu kỳ, tinh tế rõ ràng ngoài giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ cao còn là những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn dân tộc Dao.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao Tiền gồm: áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức vàng, bạc. Phụ nữ Dao Tiền rất thích trang sức, chủ yếu là các đồng bạc trắng hay kim loại, vòng bạc trắng được dùng để trang trí, làm các khuy bạc có đường kính từ 6 đến 7cm đính nổi bật ở trên áo chàm. Tên gọi Dao Tiền xuất phát từ việc ở cổ áo có đính 6 đến 12 đồng tiền bạc, tượng trưng cho vía của thần Ðế Mẫu, vị thần đã có công che chở, nâng đỡ cho người Dao Tiền từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến khi người Dao Tiền trở về với tổ tiên. Cả bộ trang sức có khi nặng đến vài ki-lô-gam. Một bộ trang phục đẹp hoàn chỉnh cùng với trang sức vòng bạc giá trị gần trăm triệu đồng. Vì vậy, một số xóm ở huyện Nguyên Bình còn có nghề chạm bạc để làm trang sức cho trang phục Dao Tiền.

Cần mẫn giữ gìn “báu vật”

Để hoàn thiện một bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cô dâu, mất gần một năm chuẩn bị. Cầu kỳ nhất là công đoạn thêu thùa, để tạo hoa văn trước tiên phải dùng dụng cụ vẽ. Với đôi bàn tay khéo léo, các họa tiết trên trang phục đã tạo nên những điểm nhấn riêng biệt cho trang phục phụ nữ Dao Tiền. Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của họ rất độc đáo. Dụng cụ khắc họa hoa văn bằng sáp ong là chiếc bút gắn ngòi đồng hoặc chiếc que tre bẻ thành hình tam giác. Loại to để tỉa tót hoa lá, loại vừa chuyên vẽ hình vuông, hình tròn, chim, ốc. Sau khi nấu chảy sáp ong, họ sẽ nhúng đầu bút vẽ hoa văn lên vải.

Nhuộm chàm là công đoạn tiếp theo sau khi vẽ, in bằng sáp ong. Trước khi nhuộm vải, cần ngâm vải vào nước lã rồi ngâm tiếp vào nước chàm, vải ngâm trong nước chàm khoảng 30 phút rồi vắt bớt nước đem phơi nắng, làm như vậy nhiều lần đến khi được màu vải ưng ý. Để có tấm vải chàm đẹp, công đoạn nhuộm vải phải kéo dài từ 10 đến 15 ngày.

Vải nhuộm có màu vừa ý thì đem nhúng vào nồi nước nóng để sáp ong khô chảy ra được hoa văn màu chàm rất đẹp. Có nhiều dân tộc cũng in hoa văn, thêu vải thổ cẩm như Tày, Mông, Nùng... nhưng cách in hoa văn trên hiện nay chỉ còn thấy ở nhóm người Dao Tiền. Mặc dù cùng một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, song do làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng, mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Theo quan niệm của người Dao Tiền, khi cô gái về nhà chồng, ngoài váy, áo tự thêu dệt, còn có của hồi môn là những đồ trang sức bằng bạc do cha mẹ tặng. Những đồ trang sức này sẽ được giữ lại như bảo vật của gia đình, dòng họ và sẽ trao lại cho con cháu sau này. Mỗi người phụ nữ thường có từ 10 đến 20 bộ váy để mặc trong các dịp lễ hội, lễ cấp sắc, ngày cưới xin… Bởi vậy, mọi phụ nữ Dao Tiền đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong. Phải mất đến 6 tháng tới 1 năm để có thể hoàn thành một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Tiền theo lối thủ công. Để có được hoa văn sắc nét, không nhòe, đều mịn trên vải phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên nhẫn cũng như hoa tay của mỗi người. Chính vì thế, chỉ có phụ nữ Dao Tiền mới đảm nhận việc in vải sáp ong, còn đàn ông thì giúp thu hoạch sáp ong.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của Bộ VH,TT&DL, huyện Nguyên Bình đang xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các xóm, thôn bản và xã có người biết dệt thêu thổ cẩm, động viên người dân mặc trang phục dân tộc mình và mang sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường...

Chia sẻ với truyền thông, ông Sầm Việt An - Giám đốc Sở VH,TT&DL Cao Bằng cho hay, trước nguy cơ biến dạng, mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc riêng của các bộ trang phục truyền thống, việc kiểm kê, đánh giá thực trạng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS), đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cần được thực hiện một cách đồng bộ.

Theo ông Sầm Việt An, trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa về trang phục truyền thống nói riêng. Quan tâm đến các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cơ chế chính sách cho các nghệ nhân có tâm huyết, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống; khôi phục trang phục truyền thống, khôi phục nghề dệt của các DTTS đã bị mai một; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống như: bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống các DTTS; giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống tại các điểm du lịch...

Đọc thêm