Như vậy, những dấu hiệu vi phạm hình sự trong thương vụ này đã khá rõ ràng sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và báo cáo sự vụ với Ban Bí thư thì mới có đánh giá trên. Dường như ngay lập tức, sau khi có chỉ đạo từ Ban Bí thư thì hai bên đã “ngồi lại với nhau” và nhanh chóng thỏa thuận hủy bỏ việc mua bán này. AVG còn bày tỏ thiện chí trong việc trả lại tiền cùng với cả lãi suất và “đặt cọc” bằng chính số tiền 5% mà Mobifone còn nợ lại (đã trả 95%). Bằng cách này đã gây cho mọi người cảm giác là Nhà nước không thiệt hại gì, thất thoát đã “thu hồi” lại được. Nhưng dư luận lại nghĩ khác: Hóa giải một vi phạm “rất nghiêm trọng” đơn giản đến thế ư? Và, không ít ý kiến trên mạng xã hội bình phẩm về động thái này, cho rằng không khác gì một hành vi “chạy tội” nhằm thoát khỏi việc xử lý theo pháp luật hình sự.
Song, có thể những nhận định đó là vội vã khi ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ đã công bố bản Kết luận thanh tra về thương vụ này, xác định những vi phạm “rất nghiêm trọng” trong việc quản lý kinh tế, trách nhiệm của các bộ liên quan và cả Văn phòng Chính phủ cùng các công ty, tổ chức tư vấn khác. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật”.
Rõ ràng, sự việc chưa dừng lại ở đây, mặc dù các bên đã làm động tác “hoàn nguyên”, trả lại tình trạng ban đầu như chưa hề có thương vụ nào xảy ra cả. Vi phạm pháp luật thì phải chịu sự xử lý với các hình thức tương ứng. Không có chuyện vi phạm pháp luật nhưng tự “khắc phục hậu quả”, “không gây thiệt hại gì” mà lại tránh được việc bị xử lý cả. Pháp luật nghiêm minh là ở chỗ đó: “Đúng người, đúng vi phạm”!
Dư luận hãy bình tĩnh chờ sự nhập cuộc của cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý vụ việc “rất nghiêm trọng” này!