|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tự kỷ là do nghiệp chướng?!
“Khi bác sĩ nói đứa con mới 18 tháng tuổi của tôi bị tự kỷ, chồng tôi đã òa khóc, còn tôi như rơi xuống vực thẳm. Những ngày tháng sau đó tôi chứng kiến tận cùng sự kinh khủng của căn bệnh tự kỷ tàn phá con trai tôi. Mỗi buổi tối khi bé vào giường ngủ là thời khắc kinh hãi nhất trong ngày: Bé bắt mẹ nằm xuống ở một tư thế duy nhất rất kỳ cục, rồi bắt đầu đạp mẹ, cấu xé, la hét, đập đầu vào tường...
Tôi luôn có cảm giác mình đang ở trong phòng tra tấn của một nhà tù nào đó. Cả nhà ngày càng ngột ngạt, căng thẳng và đầy hãi hùng chẳng khác nào địa ngục. Tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu bệnh viện, phòng khám để chữa bệnh cho con, nhưng đến đâu, tôi cũng bị mắng: “Con chị thế này mà cho là bệnh à?” hay “Bé bị bệnh là tại chị cưng quá nên nó bướng!”, hoặc khá hơn thì “Bé bị tự kỷ thì chỉ cần chăm sóc tốt và gần gũi bé là được rồi, vì bệnh này không chữa được”... Đó là những lời tâm sự đầy đau đớn của chị Tuyết Ngân (TP.HCM).
Từ chỗ đau đớn, bế tắc, nhiều người làm cha mẹ đâm sinh ra nghĩ quẩn cho rằng con bị tự kỷ là do kiếp trước tạo nghiệp nay phải trả, có người xem như đứa trẻ bị “trời đày”… Họ tìm đến với các thầy bói, thầy phù thuỷ để chạy chữa cho trẻ. Chị Minh Anh (Hà Nội) kể: Nghe nói ở Nam Định có thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt, tôi vay mượn 20 triệu đồng để đưa con xuống tận nơi.
Thầy nói, bệnh của con là do một số mạch chưa thông nên thầy dùng hương và lá ngải đốt vào các huyệt ở hai đầu ngón chân cái của con. Nhìn con đau đớn, giãy giụa mà bệnh tình không đỡ, còn thêm tình trạng hoảng loạn mà thấy vô vọng...
Chữa tự kỉ bằng roi dâu, kim châm?
Bác sỹ Đỗ Thuý Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng (Hội Người khuyết tật Hà Nội) cho biết, trẻ bị tự kỷ thường có ba hội chứng giả mù, giả câm, giả điếc. Trẻ không điếc, tai không làm sao cả nhưng gọi không quay lại, mắt vẫn nhìn được bình thường nhưng trẻ coi như không nhìn thấy, có đứa trẻ 12 tháng đã nói được nhưng sau đó mất ngôn ngữ không phải nó không nói được mà là không thèm nói.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến số trẻ tự kỷ gia tăng không loại trừ ô nhiễm môi trường sống, yếu tố xã hội, công việc áp lực, căng thẳng khiến người phụ nữ phải gồng mình gánh công việc gia đình và xã hội nên trong thời gian mang thai không được thanh thản, thư giãn là một trong những yếu tố khiến con bị tự kỷ. Thực tế, tự kỷ là dạng bệnh rối loạn phát triển lan toả ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cơ thể của trẻ.
Bác sỹ Thúy Nga chia sẻ: Có những đứa trẻ khi mang tới trung tâm các em đã từng bị cha mẹ trong lúc hoang mang tin vào hiện tượng mê tín dị đoan, đánh đập con cái bằng roi dâu, dùng kim châm đầy người đứa trẻ theo tà thuật nói rằng làm như thế để đuổi ma, cho trẻ hết bệnh, đó là việc làm mê muội, phi lý và không bao giờ trẻ hết bệnh. Cách chữa trị này không những phản khoa học mà còn có vấn đề về mặt lương tâm, trách nhiệm với trẻ.
Chính vì thế, bác sỹ Thúy Nga nhắn nhủ: “Các ông bố, bà mẹ hãy để ý những hành vi bất thường của con trẻ. Nếu con có những dấu hiệu của bệnh tự kỷ phải đưa con đến các cơ sở chuyên môn để khám chứ không phải đưa con đến các bà đồng, bà cốt, các ông lang, thầy phù thuỷ, thầy cúng… nghe phán.
Khi đã khám nếu con mắc hội chứng tự kỷ, những người làm cha, làm mẹ phải chạy đua với thời gian đưa con đi điều trị sớm nhất thì khả năng tái hoà nhập cho trẻ sẽ cao hơn. Việc này sẽ không đẩy trẻ vào vòng bị đày ải và gia đình không mắc vào vòng cúng bái tốn kém. Với trẻ tự kỷ phải lắng nghe trẻ, yêu thương trẻ. Mỗi người làm mẹ hãy quan tâm hơn đến con mình. Các bà mẹ trẻ bận nhiều việc nhưng mỗi ngày hãy dành 30 phút để ôm con, chơi với con”.