Sống hơn 100 tuổi không phải do gen

Bằng cách nào mà một vài người có thể sống qua 110 tuổi? Họ có những gen vượt trội, có cuộc sống lành mạnh, quá may mắn hay là sự kết hợp của một vài yếu tố trên?
Cụ Misao Okawa mừng sinh nhật 116 vào ngày 5.3 qua - Ảnh: AFP
Cụ Misao Okawa mừng sinh nhật 116 vào ngày 5.3 qua - Ảnh: AFP 
Các nhà khoa học nghiên cứu những người sống "siêu thọ" vào hôm 12.11 cho biết họ đã giải mã bộ gen của 17 người tuổi từ 110 đến 116 để cố gắng xác định liệu những người này có đặc điểm di truyền nào khác biệt, giúp họ góp mặt trong "câu lạc bộ già nhất thế giới" với chỉ khoảng 75 thành viên, gồm hầu hết là phụ nữ.
Công việc này đánh dấu sự khởi đầu cho việc tìm kiếm những gen chủ chốt giúp sống thọ, theo Stuart Kim, giáo sư về sinh vật học phát triển và di truyền học của Đại học Stanford (Mỹ) nói về cuộc nghiên cứu của ông trên tạp chí khoa học PLOS ONE.
Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu đã không tìm thấy một loại gen nào đặc biệt giúp kéo dài tuổi thọ của 17 người trên, và kết luận của các nhà khoa học cho rằng việc có thể đạt đến độ tuổi "siêu thọ" có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác.
"Hy vọng của chúng tôi là có thể tìm thấy một loại gen quy định về tuổi thọ", giáo sư Stuart Kim nói, và cho biết, "Chúng tôi đã rất thất vọng (vì không có loại gen như vậy)".
Cũng theo cuộc nghiên cứu, những người sống hơn 100 tuổi ít bị bệnh ung thư, cũng như họ có nguy cơ thấp mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Được biết, người già nhất thế giới hiện nay là một cụ bà 116 tuổi người Nhật Bản tên Misao Okawa, sinh năm 1898. Trong ngày sinh nhật của bà tại Osaka vào năm nay, bà Misao Okawa nói bí quyết để bà sống lâu vậy là nhờ ăn sushi và ngủ tốt.