- Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, ông có thể cho biết tiến độ và khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tính đến ngày 18/5?
- Do bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐB QH) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) được tổ chức cùng một ngày, thời gian chuẩn bị cho công tác bầu cử là rất dài, với khối lượng cộng việc rất lớn, tuy nhiên đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử gần như cơ bản hoàn thành. Qua theo dõi địa phương, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử - ngày hội, ngày sinh hoạt chính trị rộng lớn, sâu sắc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã và đang khẩn trương hoàn thiện một số nhiệm vụ, công tác trọng tâm. Cụ thể như: Kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trả lời các ý kiến của địa phương liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử; Về cơ bản đã và đang hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử của những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp;
Hội đồng bầu cử Quốc gia đã hoàn thành ba đợt giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị cho bầu cử theo đúng kế hoạch; đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử theo chiều rộng và chiều sâu;
Tiếp tục chỉ đạo địa phương tập trung, sát sao nắm tình hình biến động của cử tri để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện việc lập danh sách cử tri; Chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chủ động đề phòng mọi tình huống phát sinh trước, trong và sau bầu cử; Tiếp nhận những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến các ứng cử viên cũng như các hoạt động liên quan đến công tác bầu cử.
Theo quy định của luật, sau ngày 12/5, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đã ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách chính thức những người ứng cử. Do đó, các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết thì sẽ chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp, để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
-Thưa ông, sau 3 vòng hiệp thương bầu cử, những vấn đề nào nổi lên cần được Hội đồng bầu cử quốc gia quan tâm xử lý?
- Mục đích của vòng hiệp thương thứ ba là thống nhất được danh sách các ứng cử viên đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp và công bố danh sách này. Sau công bố danh sách là chuẩn bị cho các ứng cử viên tiếp xúc với các cử tri. Đây là việc hết sức quan trọng, bởi nó quyết định đến chất lượng của việc bầu cử và đến nay việc tiếp xúc của các ứng cử viên đã cơ bản hoàn thành ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Việc thứ hai là kiểm tra lại công tác niêm yết danh sách của các cử tri, vì các cử tri có quyền chọn nơi bầu khác nhau. Thứ ba là tổ chức bầu cử sớm cho các cán bộ, chiến sĩ ngoài hải đảo hoặc một số cơ quan, địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội đặc thù đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia chấp thuận cho bầu cử sớm
Có thể nói, Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn quán triệt nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật đi đôi với việc phát huy dân chủ trong các nội dung, trình tự hiệp thương. Những người đủ tiêu chuẩn, đảm bảo cơ cấu, thành phần, có tín nhiệm cao với cử tri nơi công tác, nơi cư trú đều được lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND. Chất lượng người ứng cử lần này được đánh giá là tốt, cao hơn nhiệm kỳ trước là một điểm rất cơ bản và rõ nét.
Thành tích trong công tác hiệp thương là hết sức nổi bật, tuy nhiên, khách quan nhìn nhận ở một số ít địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong khâu dự kiến, giới thiệu người ứng cử, dẫn đến có những lúng túng bị động nhất định. Quá trình tổng hợp và phân tích kết quả hiệp thương ở nhiều tỉnh còn chưa kịp thời, nhất là đối với công tác bầu cử ĐB HĐND. Một số địa phương chưa chủ động trong việc nắm thông tin tại cơ sở để phản ánh lên Trung ương, do đó đã không kịp thời xin ý kiến chỉ đạo, xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh- có trách nhiệm của cử tri
- Vậy MTTQ Việt Nam phát huy vai trò như thế nào trong quá trình tổ chức các hội nghị gặp gỡ tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, thưa ông?
- Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp là chủ trì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Trong quá trình vận động, MTTQ Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ nhất, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử; đồng thời chủ trì phối hợp tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ở giai đoạn này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực sự là cầu nối giữa những người ứng cử với cử tri. Thông qua vận động bầu cử sẽ là dịp để cử tri của địa phương hiểu và biết rõ hơn về người ứng cử, qua đó cử tri cân nhắc, quyết định chọn lựa ai làm đại biểu khi bỏ phiếu; đồng thời gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình với Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức hội nghị tiếp xúc vận động bầu cử, MTTQViệt Nam trực tiếp giám sát hoạt động của những người ứng cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và phương tiện thông tin đại chúng; đảo bảm đúng mục đích, yêu cầu vận động bầu cử; những vi phạm pháp luật trong quá trình vận động bầu cử…
Đến thời điểm này, qua nắm tình hình của địa phương, về cơ bản Ủy ban MTTQ các cấp đã và đang về đích việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử của những người ứng cử, bảo đảm để người ứng cử được tiếp xúc rộng rãi và truyền tải đầy đủ chương trình hành động và thông tin về bản thân người ứng cử tới cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử.
- Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước có tình trạng người dân bị kích động bởi các phần tử xấu và kêu gọi người dân không đi bầu cử trong ngày 22/5 tới đây. Ông suy nghĩ về điều này như thế nào và gửi thông điệp gì đến nhân dân cả nước?
- Trong cuộc sống, ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì có thể phát sinh bức xúc. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi bị khó khăn là điều hết sức chính đáng. Bầu cử 5 năm mới diễn ra 1 lần, chính là thể hiện quyền công dân được bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào việc lãnh đạo Nhà nước cao nhất ở QH và HĐND các cấp ở địa phương. Bà con không vì lý do gì mà từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng ấy của mình.
Chúng tôi khẳng định với bà con rằng, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, trong đó có mặt trận đã và đang nỗ lực để đảm bảo cho cuộc sống của bà con ngư dân tốt hơn. Ngư dân khó khăn không bao giờ đơn độc. Mặt trận cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ đã triển khai ký kết chương trình phối hợp, hỗ trợ các ngư dân gặp khó khăn.
Bầu cử ĐBQH Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để cử tri phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016.
Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thay mặt ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong ngày hội lớn toàn dân tộc; hăng hái, trực tiếp tham gia đi bỏ phiếu đầy đủ, đồng thời sáng suốt lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, có đức, tài xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước.
- Trân trọng cám ơn ông!