Đừng tùy tiện với tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Lời biện hộ của một bị cáo từng là Chủ tịch UBND 1 tỉnh phía Nam Trung Bộ, trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, mà TAND tỉnh này đang xử, khiến dư luận bất ngờ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều năm trước, khu đất 22.340m2 (trước đây thuộc Nhà nghỉ Tỉnh ủy) được bị cáo trên giao cho 1 Cty theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu thầu đấu giá. Cty này sau đó không thực hiện dự án, không đóng tiền thuê đất, đến 2014 xin chuyển dự án cho một Cty khác (có 95% vốn cổ đông sáng lập của Cty cũ) và được tỉnh chấp thuận cho “kế thừa”.

Dù theo quy hoạch chung của địa phương này đã được Thủ tướng phê duyệt, công trình xây dựng không được vượt quá 40 tầng, nhưng lãnh đạo tỉnh này vẫn cho dự án trên được xây tới… 47 tầng.

Có thể nói, trong vụ án này, sai phạm chồng chất sai phạm. Đầu tiên, UBND tỉnh đã giao đất cho DN thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai, Điều 61 Nghị định 181/2004/NĐ-CP. Sau đó, UBND tỉnh lại tiếp tục thu hồi đất của Cty trước để giao Cty sau thực hiện dự án khách sạn và căn hộ mà không thông qua đấu giá là tiếp tục vi phạm Luật Đất đai và không đúng đối tượng.

Cáo trạng xác định sai phạm của các bị cáo đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng; còn tại thời điểm ngày 6/1/2022 (phát hiện sai phạm) là 357 tỷ đồng.

Vậy một số bị cáo trong vụ án giải thích như thế nào về những sai phạm của mình?

Bị cáo từng là cựu Chủ tịch UBND tỉnh, giải thích hành vi giao đất sai quy định là “thời điểm đó chưa có chính sách kích cầu như hiện nay, tỉnh chỉ biết dùng nguồn vốn của dân để đầu tư phát triển, chống suy thoái kinh tế”. Giải thích chuyện tùy tiện cho DN “kế thừa” dự án, bị cáo nói “lúc đó chỉ nhận thức chủ quan là pháp nhân cũ nên ký cho phép”. Giải thích việc cho dự án xây vượt 7 tầng so với quy hoạch chung TP, bị cáo nói thời điểm đó có nhiều dự án “được cho phép xây cao hơn 40 tầng” nên “cứ cho xây rồi xin phép sau, nếu không được sẽ yêu cầu điều chỉnh”.

Điều đáng nói khác, đây là vụ án thứ 4 mà bị cáo trên bị tòa xét xử liên quan sai phạm trong chỉ đạo, cho thực hiện một số dự án lớn tại địa phương. Hiện nay, bị cáo trên đang thi hành án tù của 3 vụ án trước. Sai phạm của bị cáo trong các vụ án đều “na ná” nhau. Giải thích của các bị cáo trong các vụ án cũng đều gần giống nhau, thường là “không biết”, “không nắm rõ”, “vì làm lợi cho tỉnh”, “vì sự phát triển địa phương”. “Làm lợi” đâu chưa rõ, chỉ thấy rõ tài sản nhà nước đã bị thất thoát, “đất vàng” tài sản công đã bị một số DN thâu tóm.

Những lời biện hộ như trên là rất khó có thể chấp nhận. Để ký một văn bản quyết định số phận một tài sản công, có rất nhiều cơ quan, bộ phận tham mưu, rà soát trước đó, có muốn sai cũng khó. Vậy mà vẫn quyết định sai, thậm chí sai nhiều lần. Vì kiến thức pháp lý hổng nhiều, vì hoang tưởng cho rằng mình là “vua một cõi”, hay vì động cơ mục đích nào khác?

Mới đây, trong một phiên thảo luận tại Quốc hội, bàn về vấn đề liên quan ngân sách, tài sản nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ rõ: “Cho dù 1 đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ. Rất nhiều người “đi về nơi xa lắm” vì coi thường việc này”. Tất cả các cán bộ nhà nước cần “khắc cốt ghi tâm” cảnh báo rõ ràng trên, để tránh xảy ra những vụ án đáng tiếc.

Đọc thêm