Sau khi đăng bài, PLVN nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, các nhà nghiên cứu, chuyên gia… đồng tình ủng hộ. Trong đó có những ý kiến sâu sắc góp ý với những nhà nghiên cứu có ý định công bố bài báo nghiên cứu khoa học. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến.
“Nhu cầu phải công bố bài báo khoa học ngày càng lớn”
Thưa ông, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề bài báo nghiên cứu khoa học bị rút?
- Trước tiên, phải nói rằng trong thực tế, nhu cầu phải công bố bài báo khoa học ngày càng lớn. Đây là việc bắt buộc nhà khoa học phải làm, đặc biệt là ở một số trường đại học. Vì khi các trường đại học Việt Nam công bố nhiều bài báo quốc tế thì sẽ giúp các trường có vị trí tốt trên bảng xếp hạng.
Trong lĩnh vực học thuật nói chung, chuyện các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học bị rút bài báo khoa học không có gì mới. Ngày xưa, mạng xã hội và phương tiện truyền thông chưa phổ biến nên mọi người ít biết tới. Bây giờ, do sự phát triển của công nghệ, việc tiếp cận thông tin rất dễ, khiến dư luận thấy có vẻ nhiều hơn. Và quan niệm sai lầm nhất khi thấy bài nghiên cứu khoa học bị rút, là vội gán ghép “vi phạm đạo đức”, “vi phạm liêm chính khoa học”.
|
Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến. (Ảnh: Phương Thảo) |
Có những bài báo bị rút do có sai sót cố ý, nhưng cũng có những bài báo bị rút oan. Có những trường hợp bị rút bài do lỗi hành chính, lỗi kỹ thuật hoặc là lỗi gì đó từ phía nhà xuất bản. Thế nhưng, theo dõi trên phương tiện thông tin truyền thông, thường thấy mỗi khi có một nhà nghiên cứu bị rút bài báo khoa học, bị nêu tên, thì số đông đổ hết lỗi cho nhà nghiên cứu đó, coi họ như tội đồ.
Xin ông giải thích rõ trường hợp bài nghiên cứu bị rút nào mới là vi phạm đạo đức, vi phạm liêm chính khoa học?
- Thứ nhất, nghiêm trọng nhất trong vi phạm liêm chính khoa học là ngụy tạo kết quả, biến cái không có thành cái có, nói cách khác là bịa ra cho có. Thứ hai, nghiêm trọng nguy hiểm không kém là hành vi mua bài báo khoa học. Ở trên mạng, bây giờ có những nhóm bán bài, bán vị trí. Ví dụ mình muốn đứng ở vị trí số 2, vị trí số 3 trong danh sách tác giả; còn gọi là tác giả “ma”; giá bao nhiêu tiền? Thứ ba là đạo văn.
Nên từ bỏ tư duy “chạy đua về số lượng”
Thưa ông, như ông nhận xét ở trên là “nhu cầu phải công bố bài báo khoa học ngày càng lớn”. Ông có thể nói rõ hơn về các khía cạnh của thực trạng này?
- Nếu cứ chạy đua về số lượng, cứ đẻ “sòn sòn”, chạy theo viết bài để được nhà trường thưởng, viết bài họ chỉ hướng đến lợi ích thì sẽ dễ dẫn đến sai sót. Tại một số trường đại học hiện nay có tình trạng đếm bài để thưởng tiền. Có người nói với tôi rằng “phải bán bài cho trường do điều kiện kinh tế khó khăn”.
Vì vậy, theo tôi, trước tiên các nhà khoa học phải nhìn lại sự việc, không nên phiêu lưu về số lượng bài báo khoa học nữa. Hãy nghiên cứu làm sao đạt về chất lượng, ít cũng được nhưng tương xứng với đẳng cấp của mình. Mình viết ít bài mà người khác đọc thấy tác giả này hay, được nhiều tác giả sau này tham khảo, là được.
Về phía các trường, nếu khuyên bớt bớt lại việc đếm số lượng bài báo khoa học, thì cũng khó. Bởi vì một số trường cũng đang chạy theo xu hướng. Và trường cũng cần đạt được yêu cầu kiểm định đại học. Nhưng rồi đến lúc nào đó, khi mà nền học thuật trưởng thành, mạnh mẽ lên, thì người ta tự khắc biết cái gì là thật, cái gì là giả.
Ở nhiều nước, hiện giờ người ta đâu có chạy theo bảng xếp hạng. Cũng ở một số nước, có tác giả “siêu năng suất”, một năm công bố cả trăm bài. Nếu chạy theo thưởng, chạy theo bảng xếp hạng, hệ quả tất yếu là rút bài ngày càng nhiều.
Vừa rồi, chúng ta có một số thay đổi về quy định là chỉ khen thưởng những bài đăng ở những tạp chí được xếp hạng trên cao, thuộc nhóm 25% hay 50% tốt nhất, chứ không phải cứ có nghiên cứu công bố quốc tế là đều được công nhận. Có một số trường ở nước ta cũng đang đẩy mạnh chuyện này. Tôi nghĩ đây là những tín hiệu tốt.
Với các nhà khoa học vi phạm, ông có lời khuyên gì?
- Thực tế cho thấy, nhiều nhà khoa học có bài bị rút vẫn an tâm công tác và cống hiến. Nếu sau sự cố rút bài mà nhà khoa học đó công bố được các công trình khác thì sẽ vượt qua được biến cố kia và được xã hội ghi nhận.
Theo tôi thì không nên quay nhìn lại quá khứ, mà nên tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học của mình. Phải thuộc nằm lòng các nguyên tắc liêm chính học thuật, bởi vì nghề nghiên cứu khoa học có những đòi hỏi rất khắt khe, nếu anh không liêm chính khoa học thì cũng không thể liêm chính trong công việc được. Nhà khoa học cũng không thể biện minh vì mình nghèo, vì khó khăn phải làm thế.
Tôi cho rằng chúng ta cũng cần có những chế tài cụ thể. Ví dụ tác giả vi phạm sẽ không được đứng giảng trong một thời gian. Một số trường đã có quy định nếu sai phải ra Hội đồng kỷ luật, hay mỗi nhà khoa học một năm chỉ được công bố bao nhiêu bài… Đó là những điều rất tốt, nhằm hạn chế tình trạng bị rút bài.
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại, khi nghiên cứu khoa học hay làm gì cũng vậy, mình có thể làm không xuất sắc, có thể viết không hay, nhưng phải làm thật. Mỗi nhà khoa học phải tự ý thức yếu tố trung thực và liêm chính là yêu cầu tối thượng, là phẩm chất đòi hỏi cao nhất của người làm công tác nghiên cứu khoa học.
Xin cảm ơn ông!