Đừng vội quy kết “vi phạm liêm chính” khi bài báo khoa học bị rút

(PLVN) - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam công bố bài báo quốc tế. Tuy nhiên, sau đó cũng có một số trường hợp bị rút bài. Bên cạnh một số tác giả “đạo văn”, nguỵ tạo kết quả; thì có không ít trường hợp bị rút bài vì lý do khách quan, vì lỗi của bên thứ ba... nhưng lại bị một số ý kiến quy chụp, quy kết. Bài viết dưới đây nhằm phản ánh thực trạng và mong muốn đưa ra một góc nhìn khác hơn với tình huống bị rút bài. Các bên liên quan và dư luận cần cẩn trọng, khách quan khi đánh giá nếu một bài báo bị rút, tránh trường hợp vội vàng quy kết oan.
Việc rút bài báo nghiên cứu khoa học có nhiều nguyên nhân và không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc vi phạm đạo đức, liêm chính. (Vẽ minh họa: DAD)

Đừng hiểu lầm rút bài báo đồng nghĩa với vi phạm liêm chính khoa học

Thời gian qua, trên toàn cầu, số lượng bài báo nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế bị rút không phải là ít.

Có những trường hợp rút bài gây chấn động dư luận. Như một nhà khoa học ở Hàn Quốc từng được hi vọng đoạt giải Nobel về việc nhân bản chó. Lúc đó, Hàn Quốc xem nhà khoa học này như “báu vật quốc gia”. Tuy nhiên về sau, sự thật được phát hiện là kết quả nghiên cứu toàn là ngụy tạo. Nhà khoa học này đã bị khởi tố về hành vi tham ô, vi phạm đạo đức sinh học do gian lận trong nghiên cứu tế bào gốc…

Tại Việt Nam, mới đây các tạp chí chuyên ngành vật lý quốc tế đã gỡ bỏ 3 bài viết của một tác giả, nâng tổng số bài bị rút vì đạo văn của người này lên đến con số 7 trong vòng 2 năm. Lý do rút các bài báo bị rút được Ban biên tập các tạp chí nêu ra là do tác giả đã viết bài dựa trên nội dung chủ yếu đến từ các bài báo khác, dẫn nguồn nhưng không được ghi chú.

Đó là các trường hợp rút bài xác định lỗi do tác giả. Trong thực tế, còn có những bài báo bị rút vì những lý do khách quan, chưa hẳn do lỗi của tác giả, nhà nghiên cứu khoa học.

Đơn cử như trong năm 2024, một nhóm nhà khoa học Việt Nam bị Tạp chí Fuel thuộc NXB Elsevier rút 3 bài báo khoa học (đăng trong giai đoạn từ tháng 3 - 5/2022). Lý do các bài báo bị rút “vì thay đổi về quyền tác giả được thực hiện trong quá trình chỉnh sửa”. Tuy nhiên, khi chưa hiểu rõ nguyên nhân rút bài, một số ý kiến đã vội vã đánh giá theo chiều hướng các nhà khoa học “vi phạm chuẩn mực liêm chính khoa học”.

Một trường hợp khác, sau khi bài báo khoa học của một nhà nghiên cứu công tác tại một trường ĐH tại TP HCM bị một tạp chí gỡ xuống, và bị một số ý kiến đánh giá,; thì nhà nghiên cứu này đã xin thôi chức vụ với “lý do cá nhân”… Động thái này được cộng đồng khoa học đánh giá là phản ứng của người làm công tác khoa học trước những công kích vô cớ; vì một bài báo khi bị gỡ, tòa soạn có thể ghi do lỗi quá trình duyệt, lỗi của tòa soạn hay của một ai đó, chứ không phải lỗi của nhà nghiên cứu… tức là bài bị rút do lỗi của bên thứ ba, hoàn toàn không liên quan tác giả bài báo.

Một trường hợp khác cũng liên quan một nhà nghiên cứu tại TP HCM, một bài báo khoa học không có vấn đề về chuyên môn học thuật và việc bị gỡ bỏ là do những sai sót ngoài ý muốn của Ban biên tập, nhưng vì áp lực dư luận, nhà nghiên cứu này đã có đơn xin rút khỏi Hội đồng khoa học và đào tạo của trường.

Qua những sự việc kể trên cho thấy, có một số lúc dư luận hiểu lầm là việc rút bài báo đồng nghĩa với vi phạm liêm chính khoa học. Theo tìm hiểu của PLVN, việc rút bài có nhiều nguyên nhân, và không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc vi phạm đạo đức, liêm chính. Thậm chí, bài bị rút vì vi phạm liêm chính, thì không phải mọi tác giả trong nhóm nghiên cứu đều vi phạm, mà có khi chỉ một cá nhân cụ thể vi phạm. Việc xác định ai vi phạm thường được công bố sau một quá trình điều tra cẩn trọng.

Hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học- Ảnh: Quỹ Nafosted

Vô số lý do gỡ bài

TS Nguyễn Lê Duy Lai, Giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM cho biết: “Một bài báo nghiên cứu khoa học bị gỡ xuống khỏi là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín tác giả, tạp chí, sự phát triển của khoa học… Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng, lý do gỡ bài có thể là bài báo có lỗi phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu không chính xác hoặc các lý do khác như về thủ tục xuất bản, tranh chấp tác giả; hay vi phạm đạo đức nghiên cứu (đạo văn, gian lận dữ liệu, ngụy tạo kết quả, trùng lặp công bố, mâu thuẫn lợi ích…)”.

“Khi một bài báo nghiên cứu khoa học bị gỡ xuống, trách nhiệm có thể thuộc về tác giả đã không đảm bảo tính chính xác, trung thực và đạo đức của nghiên cứu. Vì tính chất nghiêm trọng như vậy, nên theo tôi, những bên liên quan và cả dư luận xã hội cần nên cẩn trọng, khách quan khi đánh giá về việc rút bài báo khoa học, tránh trường hợp vội vàng quy kết oan”, TS Lai nói.

“Theo tôi, việc công bố gỡ bỏ bài báo cũng cần công bố nguyên nhân kèm theo. Nếu nguyên nhân là vi phạm đạo đức, liêm chính khoa học thì phải có nhiều bước để kiểm tra, điều tra, khắc phục. Nếu vì nguyên nhân khách quan hay do bên thứ 3 thì tránh liên tưởng đến vấn đề đạo đức”.

“Về phần mình, khi một bài báo khoa học mà mình là tác giả bị gỡ xuống, nhà khoa học cần có những hành động khẩn trương, có trách nhiệm để giải quyết tình huống. Trước tiên, cần bình tĩnh tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân bài báo bị gỡ. Liên hệ Ban biên tập tạp chí yêu cầu giải thích rõ ràng và cung cấp bằng chứng cụ thể lý do gỡ bài. Xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc, nếu thấy bất đồng quan điểm hoặc cần giải thích, hãy phản hồi một cách rõ ràng, minh bạch và cung cấp bằng chứng ủng hộ cho lập luận của mình. Quá trình điều tra, nhà khoa học cần hợp tác đầy đủ với Ban biên tập, hội đồng đạo đức nghiên cứu và các bên liên quan; cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu và tài liệu liên quan đến nghiên cứu; tuân thủ quy trình xử lý của tạp chí và các quy định của cơ quan chủ quản”.

“Nếu cho rằng quyết định gỡ bài là không công bằng hoặc có sai sót, nhà khoa học có quyền khiếu nại theo quy định. Trong trường hợp bị oan do cáo buộc sai sự thật, nhà khoa học cần tích cực thu thập bằng chứng và bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Trong một số trường hợp, nhà khoa học có thể chủ động chia sẻ thông tin về việc gỡ bài với cộng đồng khoa học và công chúng để tránh những hiểu lầm và bảo vệ uy tín của mình”.

(TS Nguyễn Lê Duy Lai, Giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM)

Đọc thêm