Từ ngày 1/9, thuế xuất khẩu than đá đã được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm xuống còn 10% thay vì 13% như mức trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng các đại gia “vàng đen” đang được ưu ái quá mức, trong khi ngành than thì vẫn cứ… than.
Được giảm thuế xuất khẩu nhưng ngành than vẫn than khó khăn |
Được ưu ái?
Thuế xuất khẩu than đá giảm 3% đã ứng “nguyện vọng” mà Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) liên tục kiến nghị trước đó. Như vậy, chỉ đúng 2 tháng sau khi quyết định tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 10% lên 13% có hiệu lực, Nhà nước đã phải “xuống nước” với các đại gia “vàng đen”.
Bộ Tài chính lý giải rằng, việc giảm thuế xuất khẩu mặt hàng than đá nhằm chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp sản xuất than trong nước giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhưng trước đó, như PLVN đã đưa tin, lấy lý do sản lượng than tiêu thụ giảm mạnh, tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm dự báo khá ảm đạm… TKV đã liên tục “đòi” Chính phủ giảm thuế xuất khẩu, đồng thời “lưu ý” nộp ngân sách năm nay dự kiến chỉ đạt 10.780 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kế hoạch đầu năm, tương đương giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong nửa đầu tháng 8 lượng xuất khẩu than đá của Việt Nam đạt 134.000 tấn, qua đó nâng tổng lượng than đá xuất khẩu từ đầu năm đến hết ngày 15/8 lên gần 8 triệu tấn, giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2012.
“Với số liệu 8 tháng đầu năm như Tổng cục Hải quan công bố thì việc giảm lượng than đá xuất khẩu là không nhiều. Do vậy, việc hạ thuế xuất khẩu than là không nên bởi quan điểm của chúng ta không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên khoáng sản. Còn khó khăn thì đâu phải riêng các doanh nghiệp than khó khăn, nên với việc giảm thuế xuất khẩu than đá thì phải chăng Bộ Tài chính ưu ái quá cho ngành than” – một chuyên gia nhận định.
Vẫn than thở!
Cho dù được “ưu ái” song ngành than vẫn than thở. TKV vừa công bố, dù được giảm thuế nhưng tháng 9 tiêu thụ than cũng chỉ ước đạt gần 2,5 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 2,9 triệu tấn. Tính cả quý III, tiêu thụ than của TKV ước đạt gần 6,7 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức bình quân hơn 10 triệu tấn một quý thực hiện được nửa đầu năm.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tiêu thụ than toàn tập đoàn ước đạt 28,15 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 66.521 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước và bằng 64% kế hoạch năm nay. Trong đó, doanh thu bán than đạt 37.681 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ và bằng 62% kế hoạch năm. TKV cũng cho biết, thu nhập bình quân mỗi tháng của công nhân viên chức đầu năm nay ước đạt 7,2 triệu đồng một người, bằng 93% kế hoạch năm và thấp hơn mức bình quân 7,4 triệu đồng của năm 2012...
Theo nhận định của “ông lớn” này thì tình hình có thể chỉ bớt khó khăn hơn trong quý IV do những thuận lợi về thời tiết, thuế xuất khẩu giảm, nhu cầu than nội địa tăng. Do đó, TKV đặt mục tiêu tiêu thụ than trong quý cuối năm đạt khoảng 10,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 7,5 triệu tấn, xuất khẩu là 3,3 triệu tấn. Mặc dù vậy, mục tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn than cả năm được thừa nhận là đã phá sản và TKV đã điều chỉnh giảm kế hoạch tiêu thụ về còn 39 triệu tấn.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giảm đầu mối mua than phát mại tại các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, rút xuống còn 1 đơn vị tại mỗi huyện Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, Hạ Long, 02 đơn vị tại Cẩm Phả. Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh than theo quy định để quyết định cho phép doanh nghiệp được mua than phát mại và công bố danh sách công khai trên địa bàn. Than phát mại ở địa phương nào thì bán cho doanh nghiệp được mua than phát mại tại địa phương ấy, thời gian thực hiện đến 31/12/2013. |
Mai Hoa