1. Năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 85 năm đồng hành cùng dân tộc trên con đường cách mạng vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống tự hào, vẻ vang của dân tộc, của Đảng, tôn vinh những giá trị quý báu của nền độc lập, tự do, nâng cao niềm tin vào con đường độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, một trong những nhân tố hàng đầu làm nên mọi thắng lợi, thành công vẻ vang của Đảng ta 85 năm qua là luôn thấu suốt và thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đó là: Sự nghiệp cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm lớn mà Đảng ta đã đúc rút từ thực tiễn cách mạng.
Nền tảng chính trị để tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là phải luôn bảo đảm và không ngừng tăng cường dân chủ.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, trên cơ sở nhận thức ngày càng sâu sắc nội dung, vai trò của vấn đề dân chủ từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định quan điểm phát triển là: Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Do đó, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, tăng cường gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nền tảng cho việc giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức về vấn đề dân chủ, về vấn đề con người trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và bối cảnh tình hình của thế giới ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên càng thêm khắc ghi, thấm sâu hơn lời dạy của Bác Hồ: “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ngoài ra không còn lợi ích nào khác”; “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để làm “quan cách mạng”; “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. (Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và Pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005).
TS. Đinh Trung Tụng - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp |
Trong lịch sử xây dựng và phát triển của mình, Bộ, Ngành Tư pháp vinh dự là một trong những Bộ, Ngành đầu tiên được thành lập cùng với thời điểm ra đời của Nhà nước kiểu mới, thiết lập nên chế độ dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ những năm đầu thế kỷ 20 khi phải bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tính thiết yếu của pháp luật và pháp quyền đối với việc bảo đảm quyền độc lập, tự do cho dân tộc, quyền dân chủ và các quyền cơ bản của con người. Người khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Cốt lõi giá trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm vì con người và giải phóng con người, vì đất nước, vì dân tộc. Đó là chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Đây cũng là bản chất của nền tư pháp, được khởi nguồn từ những ngày đầu thành lập theo tư tưởng của Bác.
Về vai trò, bản chất, nhiệm vụ của nền tư pháp cách mạng, Người xác định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”. (Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp (1950)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động của Bộ Tư pháp ngay từ buổi đầu thành lập đã được định hướng nhất quán theo quan điểm, tư tưởng khoa học và cách mạng về một nền tư pháp nhân văn, vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân, vì công bằng, tiến bộ xã hội. Pháp luật, tư pháp có sứ mệnh bảo vệ quyền tự do, dân chủ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Với Bộ, ngành Tư pháp, những người phụ trách công tác pháp luật, câu nói của Bác “Tư pháp là ở đời, làm người” có ý nghĩa như một chân lý, một triết lý nhân văn hết sức sâu xa, cao cả mà các thế hệ cán bộ tư pháp phải tiếp tục suy ngẫm, tiếp tục phấn đấu để có thể đóng góp ngày càng nhiều hơn cho mục tiêu vì con người, vì nhân dân như mong muốn của Bác.
Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp kinh tế và chính trị, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ, ngành Tư pháp đang có trách nhiệm lớn trong việc giúp Đảng, Nhà nước định hướng chính sách, qua đó góp phần quan trọng xây dựng, tăng cường tính dân chủ, tính nhân dân của nền tư pháp; giúp Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo phát triển, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.