Kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân

(PLO) - Nhiều chuyên gia nghiên cứu về pháp luật hình sự cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý đối với các trường hợp tổ chức kinh tế vì chạy theo lợi ích cục bộ, đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. 
Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân. Ảnh minh họa
Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân. Ảnh minh họa
Nhiều bất cập từ thực tiễn
Báo cáo đánh giá tác động Dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi cho biết, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực phát sinh trong nền kinh tế thị trường như các hành vi vi phạm quy định về độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho một số lượng lớn người lao động, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, làm ô nhiễm môi trường... gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. 
Những hành vi vi phạm này có thể do cá nhân thực hiện nhưng cũng có hành vi chủ yếu do những doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế gây ra. Thực tiễn này đặt ra cần phải áp dụng các biện pháp xử lý đủ mạnh để nâng cao tính răn đe đối với loại hành vi nguy hiểm này. 
Trước tình hình vi phạm ngày càng nghiêm trọng của các loại hình pháp nhân này, Nhà nước ta đã áp dụng các chế tài xử phạt hành chính và chế tài dân sự để buộc các pháp nhân vi phạm phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, chế tài xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ. 
Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép các cơ quan chức năng áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm nặng nhất không vượt quá hai tỷ đồng. Với mức phạt này, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. 
Đồng thời, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, một số hành vi vi phạm do pháp nhân thực hiện không được qui định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: hành vi mua bán người, hành vi tham nhũng, rửa tiền… nên không có căn cứ để xử phạt. 
Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự cũng tỏ ra bất cập, nhất là đối với việc bồi thường trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường. Các quy định về án phí dân sự và nguyên tắc người bị hại phải tự chứng minh thiệt hại khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự hiện nay là một sự cản trở rất lớn đối với người bị thiệt hại. 
Cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Trong lần sửa đổi BLHS này, hiện đã có 4 phương án được đưa ra cho vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Phương án 1: Giữ nguyên như hiện nay, tức là không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. 
Phương án 2, Quy định pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Theo phương án này, pháp nhân thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định trong BLHS sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng một trong các chế tài hình sự như: Phạt tiền; tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn. 
Phương án 3, Quy định pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội kinh tế có tính nguy hiểm cho xã hội, mang tính phổ biến và có tính khả thi. Theo đó, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ áp dụng đối với 15 tội về kinh tế. Đồng thời, quy định hình phạt áp dụng đối với những tội phạm do pháp nhân thực hiện là một trong các chế tài sau: Phạt tiền, tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn. 
Phương án 4: Quy định pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội kinh tế có tính nguy hiểm cho xã hội, mang tính phổ biến và có tính khả thi. Theo đó, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ áp dụng đối với 30 tội phạm, trong đó có 15 tội như Phương án 3, bổ sung thêm 15 tội như hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán…
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, Phương án 1 không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là không khả thi do không đáp ứng được mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bỏ lọt tội phạm, trái với nguyên tắc của BLHS là mọi hành vi phạm tội phải được xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật… 
Trong các phương án còn lại thì Phương án 3 là ưu việt hơn cả vì vừa bảo đảm xử lý được các nhóm tội đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa bảo đảm tính khả thi, tính thận trọng, tránh gây xáo trộn lớn trong việc tổ chức thi hành chính sách về hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự. 
Báo cáo đánh giá tác động Dự án BLHS sửa đổi cho rằng, việc áp dụng chính sách hình sự là chỉ xử lý đối với cá nhân, không xử lý pháp nhân thể hiện sự thiếu công bằng, nhất là khi mô hình các công ty, doanh nghiệp đã khác nhiều so với các mô hình công ty, xí nghiệp trong cơ chế quản lý kinh tế cũ. Trong nền kinh tế thị trường, giám đốc điều hành có thể chỉ là người làm thuê. Họ chỉ là người triển khai thực hiện một quyết định, chính sách của cả một tập thể là Hội đồng quản trị hoặc của những ông chủ thực sự của công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc cá nhân giám đốc (hoặc người đại diện doanh nghiệp) chịu trách nhiệm hình sự là thiếu sự công bằng vì họ làm theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của tập thể chứ không vì lợi ích của cá nhân họ.

Đọc thêm