Dương Chí Dũng khó thoát án tử hình

(PLO) - Với tình tiết nộp 4,7 tỷ đồng tiền bồi thường, khắc phục hậu quả, giới chuyên gia nhận định nếu Dương Chí Dũng thành khẩn nhận tội “Tham ô tài sản”, tỏ ra ăn năn hối cải thì sẽ thoát án tử hình. Tuy nhiên, trong suốt phiên tòa sơ thẩm hôm qua 22/4, Dương Chí Dũng kiên quyết kêu oan, thậm chí còn ngoan cố: “Có chết tôi vẫn kêu oan” khiến cơ hội thoát cửa tử trở thành “cánh cửa hẹp”.
Dương Chí Dũng khó thoát án tử hình
Biết chết vẫn khăng khăng chối tội
Như PLVN đã đưa tin, sáng hôm qua (22/4) phiên tòa phúc thẩm đại án Vinalines “nóng” ngay từ những phút đầu tiên. Tại phần thủ tục, các Luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng đã cung cấp những chứng cứ thu thập được từ Singapore và cho biết sẽ cung cấp cho Tòa một tập hồ sơ mới thể hiện việc thương thảo mua ụ nổi 83M và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ ai là người thỏa thuận, thương thảo về việc mua ụ nổi và chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu hoãn phiên tòa không được HĐXX chấp nhận. 
Phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định cách ly đối với ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng- nguyên là các cán bộ Hải quan Khánh Hòa, những người có trách nhiệm trong việc cho phép nhập khẩu ụ nổi 83M.
Được thẩm vấn đầu tiên, Dương Chí Dũng khẳng định vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan về tội “Tham ô tài sản” và đề nghị “xem xét lại trách nhiệm trong vụ cố ý làm trái”. Ngoài ra, bị cáo Dũng cũng cho biết, việc gia đình nộp tiền khắc phục 4,7 tỷ là do bị cáo thấy có trách nhiệm trong việc quản lý cấp dưới và để xảy ra sai sót trong vụ mua ụ nổi 83M; đây là tiền khắc phục hậu quả chung chứ không cho riêng hành vi “Tham ô”.
Tiếp mạch kêu oan, Dương Chí Dũng còn nói: “Vụ tham ô còn rất nhiều uẩn khúc, chưa được làm rõ. Bản thân không biết việc có 1,666 triệu USD do Cty AP chuyển về Việt Nam. Bị cáo chỉ biết điều này khi làm việc với cơ quan điều tra. Về tình tiết bị cáo nói “phải có tiền “lại quả” thì mới mua ụ nổi” là do lúc đó đã quá giờ làm việc, tâm lý căng thẳng nên bị cáo ký vào biên bản lấy lời khai có nội dung này!?
Vẫn kiên quyết chối tội tham ô, Dương Chí Dũng còn thề thốt: “Có trời, có đất, bị cáo không nhận 10 tỷ đồng. Bị cáo cũng không hề liên lạc, bàn thảo với ông Goh về việc mua ụ nổi 83M cũng như việc chuyển 1,666 triệu USD”. “Có chết, bị cáo cũng không nhận tội tham ô”- bị cáo này cương quyết. 
“Phải giữ mạng sống mới kêu oan được”
Cùng với Dương Chí Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc cũng kêu oan không phạm tội tham ô. “Bị cáo không nhận một xu nào từ  bị cáo Trần Hải Sơn, không thỏa thuận về việc ăn chia 1,666 triệu USD với ai, lời khai của Sơn là bịa đặt. 
Bị cáo Phúc còn kêu oan về tội “Cố ý làm trái quy định” bởi cho rằng mình không tham gia vào việc mua ụ nổi. Bị cáo Phúc nói khi giữ chức vụ Tổng Giám đốc, ký hợp đồng là do thực hiện tiếp công việc mà Vinalines đang triển khai dở dang, do cấp dưới trình… 
Khi được hỏi ý kiến về việc gia đình bị cáo đã nộp 3,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo Phúc tỏ vẻ bức xúc: “Gia đình bị cáo khắc phục như vậy, bị cáo không đồng tình. Bị cáo không sai, không phạm tội thì không thể có chuyện khắc phục được? Bị cáo đã nói điều này khi được gặp vợ trong quá trình thăm gặp nhưng vợ bị cáo có nói: “Phải khắc phục, phải thoát án tử hình, giữ mạng sống thì mới kêu oan được.”
Tuy nhiên, “đập” lại lời kêu oan của Dũng và Phúc, bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định rõ có việc thỏa thuận chia chác tiền tham ô từ việc mua ụ nổi và “lại quả” số tiền 1,666 triệu USD. Số tiền này, theo Sơn khai, chia đều cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Hữu Chiều tuy chỉ tham gia “ký nháy” nhưng cũng được “lại quả” 340 triệu đồng. 
Tại tòa, bị cáo Chiều thừa nhận có “ăn” số tiền này nhưng nại ra rằng không biết đó là tiền tham ô và tha thiết xin miễn trách nhiệm, giảm mức bồi thường!?   
Ụ nổi không phải là tàu biển?
Cuối giờ chiều, HĐXX đã tập trung xét hỏi để làm rõ về việc nhập khẩu ụ nổi 83M. Theo bản án sơ thẩm thì các bị cáo nguyên là cán bộ của Vinalines và nguyên là đăng kiểm viên, hải quan đã phạm tội “cố ý làm trái” do đã mua, làm thủ tục nhập khẩu ụ nổi 83M trong khi ụ nổi này đã 43 năm tuổi. Trong khi đó, theo quy định thì trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, các loại tàu biển không quá 15 tuổi…
Một tình tiết mới phát sinh là đại diện Bộ GTVT khẳng định ụ nổi không phải là tàu. Theo Bộ luật Hàng hải hải thì: “Tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển”. Nhưng ụ nổi thì không thể di chuyển được mà cần phải có thiết bị kéo đi, hoặc đưa lên thiết bị khác để chở đi.
Tiếp đó, đại diện Bộ Tài chính,  đồng thời là Giám định viên từng tham gia giám định trong quá trình điều tra, ông Trần Thái Sơn cũng phát biểu: Theo Công ước HS thì ụ nổi và tàu có hai mã số khác nhau, tức là chúng không thể là cùng một loại hàng hóa. Hải quan làm thủ tục nhập khẩu là phù hợp về hàng hóa, tính thuế và các bước làm nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng có văn bản khẳng định ụ nổi không phải là tàu. Ông Sơn cam đoan chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và trước Tòa về lời khai trên.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo./.

Đọc thêm