Cô giáo thích "làm bạn với ma” sau cái chết thảm khốc của học sinh

(PLO) - “Nỗi đau quá lớn, nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai nên tui đã từ bỏ phấn bảng để đến nghĩa trang làm nghề lau chùi phần mộ. Ngày nào tui cũng thắp hương ở phần mộ của hai em như tạ lỗi”, bà Lan chia sẻ.
Đến nghĩa trang Long Hương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất cứ ngày thường hay ngày rằm hoặc lễ, tết, đều gặp một người đàn bà nói đặc giọng miền quê Nam Trung bộ cần mẫn lau chùi từng ngôi mộ cho những người đã khuất. Bà tên Nguyễn Thị Lan, quê ở tỉnh Phú Khánh cũ (nay là tỉnh Khánh Hòa).
Làm như là lời tạ lỗi
Ở nghĩa trang này, ai cũng gọi là Dì Hai chứ ít ai biết tên thật của bà và cũng chẳng hai biết bà nguyên là một giáo viên yêu nghề, yêu học sinh. 56 tuổi đời, 20 năm làm bạn với người âm, bà không nhớ mình đã thắp bao nhiêu nén hương, lau chùi bao nhiêu phần mộ, chứng kiến bao cảnh đau lòng của gia chủ.
Tôi quen bà sau nhiều lần đến nghĩa trang này thăm viếng người thân quá cố. Lần nào tới đây cũng thấy bà hí hoáy lau chùi hai phần mộ học sinh bên cạnh phần mộ người thân của tôi. Nhiều lần hỏi về gia cảnh thân thế, bà chỉ lẳng lặng nhổ cỏ trên những phần mộ gần đấy, rồi cuối cùng bà cũng nói ra như trút bỏ gánh nặng đeo đẳng trong lòng.
Năm 1993, bà theo chồng từ Phú Khánh vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống bằng nghề giáo. “Gần 20 năm rồi, tôi không quên được cái tối định mệnh ấy. Chính cái đêm ấy đã cướp mất hai em học sinh thân yêu của tui”. Bà khóc tức tưởi. 
Đêm 20 tháng 10 năm 1994, bà cùng hai em học sinh diễn văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam về trên chiếc xe lam. Về đến ngã tư Chí Linh, bất ngờ chiếc xe tải đi ngược chiều đâm thẳng vào xe lam. Bà và hai em học sinh văng ra đường. Bà chỉ kịp mở mắt nhìn thoáng chiếc khăn quàng đỏ của hai em học sinh trên vũng máu rồi ngất lịm. Hai ngày sau bà tỉnh lại, câu đầu tiên bà hỏi là hai em học sinh. Khi biết hai em đã tử vong tại chỗ, bà đau đớn tự trách mình. 
Vật vã và thương xót, suốt thời gian nằm viện bà lặng im như cái bóng. Ngày ra viện, bà không về nhà mà đến nghĩa trang Long Hương tìm phần mộ của hai học sinh. Bà chết lặng người khi nhìn lên hai di ảnh non nớt của hai em. 
Sống cùng người chết
Một ngày làm việc của bà bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng. Hông giắt cái liềm chấu, một tay xách xô nước, tay còn lại bà cầm cái chổi đến từng ngôi mộ. Trước khi lau dọn “nhà” cho người chết, bà “xin phép cho tui dọn nhà cho ông (bà, anh, chị)”. 
Bà Nguyễn Thị Lan đang làm công việc hàng ngày của mình.
Bà Nguyễn Thị Lan đang làm công việc hàng ngày của mình. 
Cầm chiếc khăn sạch đã vắt kiệt nước, bà Lan lần lượt lau lên di ảnh, bát hương, ống hoa rồi toàn phần mộ. Đôi mắt mờ đục vì khói hương, nhìn di ảnh người chết bà nói: “Tui lau mặt cho cụ mát mẻ, mong cụ phù hộ độ trì cho tui khỏe mạnh”. 
Sau “lau mặt, dọn nhà”, bà cặm cụi “dọn vườn” cho người âm. Bàn tay chai sần nhăn nhúm nhổ từng cây cỏ, tưới từng khóm hoa. “Tui được phân công lau chùi 13 dãy, chừng 450 phần mộ. Công việc không nặng nhọc nhưng nhiều người không muốn làm vì ngại tiếp xúc với mồ mả”. 
Lương tháng một triệu rưỡi, giúp bà sống qua ngày. Bà nói: “Làm nghề này phải chấp nhận rủi ro như thường xuyên hít phải khí độc, nhất là lúc lau chùi mộ mới, mùi bốc lên độc hại, khó chịu lắm”.
Bà Lan kể:  “Ngày mới vào làm, tui ốm một trận “thập tử nhất sinh”, đó là sau lần lau chùi ba ngôi mộ mới được chôn cất sau một trận mưa. Tui nằm liệt giường gần ba tháng và hứa với chồng sẽ bỏ nghề, song khi khỏe lại, tôi lại muốn đến nghĩa trang. Dường như ở đấy có ai gọi mình rất thắm thiết. Từ đó tui biết số mình đã gắn liền với người chết rồi nên chấp nhận theo nghề”.
Đêm đêm mơ thấy người âm
20 năm làm bạn với người âm, bà Lan chứng kiến hàng nghìn lần cảnh tang thương bi thảm, tận mắt thấy hàng trăm lần bốc mộ. Những cảnh tượng ấy đã hằn sâu trong tâm trí bà đến nỗi đêm nào bà cũng mơ thấy đi với người chết: 
“Ngày mới vào nghề, đêm về tui không hề chợp mắt, đầu óc lúc nào cũng quay cuồng cảnh đưa tang, khóc lóc. Nhất là sau lần chứng kiến cảnh bốc mộ, về không ăn được cơm. Những ống xương chân tay, xương sọ đầu của người chết cứ ám ảnh, lợm giọng. 
Chồng tui mắng: “Việc gì đi làm bạn với ma, bà không bỏ việc, tui bỏ bà”. Tui phải nhiều lần thuyết phục: “Việc gì cũng quí, chưa quen rồi sẽ quen dần. Tui làm việc này âu cũng là cái duyên, cái nghiệp, ông đừng cản tui nữa. Rồi ổng cũng nghe ra và để tui tiếp tục đi làm”- bà Lan chia sẻ.
Ở nghĩa trang Long Hương thành phố Bà Rịa, ngoài bà Lan còn có ba người khác cùng làm việc như bà. Mỗi người lau chùi một khu. Bà nhận khu mộ này vì có phần mộ của hai em học sinh mà bà luôn coi đó là máu thịt, là con gái bà. Có người thương bà cho vài chục ngàn để bà mua gạo. 
“Làm nghề này như một nghĩa cử đối với người đã khuất, lấy tình nhân ái làm trọng chứ không nghĩ nhiều đến tiền công. Tui không có con, công việc tui làm cũng để phúc cho đời. Đời người ai cũng chết một lần, rồi cũng có lúc đến mình nằm xuống”, bà Lan chia sẻ.
Ngước nhìn ngôi mộ mới lau chùi rồi lại nhìn ra phía ngôi mộ khác bên cạnh, đó là ngôi mộ của một thanh niên 18 tuổi bị tai nạn giao thông, bố mẹ nghèo quá không có tiền xây cất, chỉ cắm tấm bia tạm, bà Lan ngậm ngùi. “Ngày mới làm ở đây, tui cũng ước mơ có một đứa con nhưng trời không cho. Nếu có, con tui cũng trạc tuổi cậu này.”..                                         

Đọc thêm