Nhảy lầu khi về nhà mẹ đẻ
Sự việc xảy ra sáng thứ bảy, ngày 19/4/2014. Bà Tí (60 tuổi), chứng kiến từ đầu sự việc, thuật lại: “Lúc đó, tôi đang phơi quần áo bỗng nghe thấy tiếng “uỵch” rất mạnh phát ra từ sát bờ tường khe cầu thang dưới tầng một. Nhìn xuống, tôi thấy một người nằm úp dưới nền sân, máu chảy thành vũng. Hoảng quá tôi kêu to: “Ối giời ơi! Có người chết, có người chết!”.
Nghe tiếng kêu của tôi, nhiều người mới biết để chạy lại xem xét”. Ông Đặng Văn Thọ (75 tuổi), chủ một quầy sách trong khu tập thể, cho hay: “Chỗ tôi ngồi bán sách chỉ cách hiện trường khoảng 20m. Nghe thấy tiếng kêu, tôi vội bỏ cửa hàng và cùng một người nữa chạy tới xem thì thấy nạn nhân đã bất tỉnh.
Rất nhiều người dân chạy tới vây quanh hiện trường. Thấy vậy, tôi cố trấn tĩnh đề nghị mọi người không ồn ào mà cần phải bảo vệ hiện trường. Sau đó, chúng tôi cử một người chạy sang trụ sở Công an phường Nghĩa Tân thông báo vụ việc”.
Lực lượng công an phường nhanh chóng có mặt. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương nặng, mất máu nhiều. Ông Bùi Hoàng Cường, tổ trưởng tổ dân phố 20 (phường Nghĩa Tân) cũng có mặt ngay khi nhận tin báo của người dân. Ông cho biết: “Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Lan (SN 1978, ngụ phố Khương Thượng, quận Đống Đa), con gái vợ chồng ông Hưng sống trong khu nhà C1.
Chị Lan rơi xuống từ một tầng của khu tập thể nhưng chưa rõ tầng nào. Người dân cho rằng từ tầng hai, nhưng theo tôi không phải. Vị trí nạn nhân nhảy xuống phải từ tầng bốn hoặc tầng năm, khi tiếp đất mới tạo ra tiếng vang to và bị thương nặng như vậy”.
Ông giải thích: “Khi đến hiện trường, tôi thấy một chiếc dép rơi ở cầu thang tầng hai, một chiếc rơi cạnh người nạn nhân. Chính vì vậy, tôi nghĩ chị Lan đã có sự chuẩn bị để tự tử. Có thể trong lúc chạy lên tầng trên thì trượt chân rơi mất một chiếc dép”.
Theo ông, nạn nhân không rơi từ tầng hai, cũng không rơi từ tầng ba, vì tầng này có một dây phơi quần áo căng ngang đang phơi hai cái khăn mặt, khi một người ngã rất dễ bị vướng vào. Nếu nạn nhân vướng vào dây đó thì ít nhất hai chiếc khăn sẽ phải xô lệch vị trí hoặc sẽ bị rơi, nhưng khăn mặt vẫn giữ nguyên nếp.
Tại hiện trường còn có một chiếc điện thoại di động. Theo ông tổ trưởng: “Có hai trường hợp diễn ra. Một là khi ngã, tay nạn nhân đang cầm điện thoại; hoặc là điện thoại đang để trong túi quần, trong quá trình ngã sẽ văng ra. Bởi vậy, tôi đã đề nghị mọi người cần bảo vệ hiện trường để giữ lấy chiếc điện thoại, giữ lấy SIM để phục vụ công việc điều tra”.
Thêm một thông tin ông Thọ bán sách cung cấp cũng trùng với suy đoán của ông tổ trưởng. Buổi sáng hôm đó, con trai ông Thọ cũng ở nhà C1, đang chuẩn bị đi làm thì nhìn thấy có người ngồi vắt vẻo trên lan can tầng bốn.
“Nghĩ người ta chỉ ngồi chơi ở đó nên con trai tôi cũng không để ý, tiếp tục dắt xe xuống tầng để đi làm. Nhưng vừa đi được một đoạn, con tôi nhận được điện thoại của vợ thông báo ở khu tập thể vừa có người chết. Nó chợt nghĩ đến người mới ngồi chơi đung đưa ở lan can, về tới nơi thì càng tá hỏa vì nạn nhân chính là người đó” - ông Thọ kể lại, vẫn không khỏi rùng mình.
Nạn nhân “số khổ đủ đường”
Tại nhà mẹ đẻ nạn nhân ở khu tập thể C1, bà Trương Thị Loan đang chuẩn bị tới nhà thông gia lo hậu sự cho con gái. Người mẹ lã chã nước mắt, nghẹn ngào: “Gia đình rất đau lòng trước sự việc. Chồng tôi đang ốm nặng nên gia đình vẫn giấu ông ấy. Hiện tại, gia đình chồng Lan đang tổ chức lễ mai táng”. Nạn nhân có một con gái đang học lớp một, nhưng gia đình giấu việc, sợ cháu bé sốc. “Khổ thân cháu tôi, nó còn nhỏ dại mà phải mồ côi mẹ...” - bà Loan nức nở.
Tâm sự về cô con gái bạc mệnh, người mẹ đau lòng kể: Gia đình bà sống ở khu tập thể này đã nhiều năm, người chồng bị tai biến đã 10 năm nay, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Nạn nhân là con cả trong số ba người con, lấy chồng ở phố Khương Thượng, hai em trai cũng đã lấy vợ và sống ở gần khu tập thể Nghĩa Tân. Lương hưu của cả hai ông bà mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu đồng. Cuộc sống gia đình bà so với những người dân xung quanh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng rất may các con đều thương yêu bố mẹ, vẫn hay về thăm nom, chăm sóc, đặc biệt là người con gái.
“Con gái tôi rất hiền lành, hiếu thảo, cứ rảnh rỗi là lại đảo về thăm nhà, phụ mẹ chăm sóc bố. Giờ cháu mất rồi...”, bà Loan rơm rớm nước mắt không nói được hết câu. Theo lời người mẹ, nạn nhân từng làm Bí thư chi đoàn, hay tổ chức vui chơi, múa hát cho thanh thiếu nhi ở khu tập thể:
“Lan học giỏi từ nhỏ, từng thi đỗ cả hai trường Đại học Công đoàn và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi tốt nghiệp khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cháu đi xin việc nhiều nơi nhưng mãi không được. Vì mải lo chuyện học hành, công việc nên mãi tới năm 29 tuổi mới lập gia đình”.
Bà Loan thương con gái số khổ đủ đường, lo được chuyện công việc, chuyện gia đình xong lại tới chuyện con cái: “Nó khổ về đường con cái lắm! Sinh được đứa con trai nhưng bị tim bẩm sinh, chỉ nuôi được 7 - 8 tháng thì mất, tinh thần từ đó bất ổn. Gia đình nhà chồng cũng rất tâm lý, cuối tuần nào chồng nó cũng đưa vợ về nhà ngoại cho gần gũi bố mẹ.
Sáng nay, nó đòi tự đi mua xôi. Tôi ậm ừ cho con đi ra ngoài một chút để khuây khỏa đầu óc, nhưng vẫn âm thầm đi theo, được một đoạn thì không thấy nó đâu nữa, đành về nhà ngồi chờ. Khi nghe tin con gái ngã ở lan can, xuống thì đã quá muộn”.
Một người hàng xóm cũng chia sẻ: “Mới hôm qua gặp tôi, chị ấy còn tươi cười chào hỏi vui vẻ. Chị ấy hiền lành, ngoan ngoãn mà không hiểu sao lại kết thúc cuộc đời một cách bi thảm và bất ngờ như vậy”.
Dân sợ vì mỗi mặt cầu thang, một người nhảy lầu
Chuyện nạn nhân bị trầm cảm, người trong khu tập thể đều biết, nên mỗi lần thấy chị về thăm bố mẹ, hàng xóm thường qua động viên. “Mấy hôm trước, tôi thấy Lan cứ ngơ ngơ ngác ngác, đi luẩn quẩn lên lên xuống xuống ở bên cầu thang số ba, chốc chốc bà mẹ lại phải gọi lớn hỏi xem con gái đang làm gì. Trước lúc xảy ra sự việc, tôi còn nghe thấy chị Lan bảo với mẹ là: “Con đi mua xôi!”, một lát sau đã hay tin xấu. Lúc chạy sang tới nơi, tôi nhìn cảnh tượng mà bủn rủn hết chân tay” - hàng xóm kể.
Được biết, đây là vụ nhảy lầu chết thảm thứ hai xảy ra ở đây trong năm năm gần đây. Một đêm năm 2009, một người đàn ông sống ở nhà C1 cũng gieo mình xuống mặt trước cầu thang số bốn của khu tập thể, khi phát hiện đã chết. Người dân cho biết nguyên nhân do ông này đau ốm liên miên, nhiều năm liền không khỏi dẫn đến nghĩ quẩn và chọn cách nhảy lầu tự tử kết thúc cuộc đời.
“Vụ việc lần trước xảy ra khiến người dân sống trong khu tập thể hoang mang, kinh hãi suốt một thời gian dài. Ai đi qua chỗ cầu thang đó đều không khỏi rùng mình. Tối đến, nhà nào nhà nấy ít khi ra ngoài vì tâm lý sợ hãi. Vị trí ngã của chị Lan chỉ cách vị trí ngã của người đàn ông kia chưa đầy 10m. Vị trí sát sàn sạt như vậy khiến các hộ dân sống ở khu nhà càng có tâm lý sợ hãi hơn. Mỗi lần đi qua đó, họ đều cố rảo bước thật nhanh, không dám nhìn lại...” - ông tổ trưởng cho biết./.