Theo Văn phòng Bộ Y tế , trong hơn 100 nghìn cuộc gọi vào đường dây nóng của bộ hơn một năm qua thì có đến 2/3 trong số đó là không chính xác.
Ngoài các cuộc gọi đến không đúng phạm vi quản lý của ngành thì có rất nhiều cuộc gọi phản ánh hoàn toàn sai sự thật.
Cơ quan này đã đưa ra những trường hợp cụ thể:
Ngày 16/1/2015, đường dây nóng nhận được một cuộc gọi phản ánh về thái độ của nhân viên y tế xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng . Nội dung phan ánh cho biết, khi người dân đưa con tới đây tiêm, thái độ của nhân viên y tế rất thờ ơ, không hỏi han, quan tâm, thậm chí có nhân viên còn tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân….
Ngay sau khi nhận được thông tin nói trên, Bộ Y tế đã đề nghị ngành y tế Hải Phòng kiểm tra sự việc. Sở Y tế Hải Phòng đã vào cuộc. Sau khi rà soát lại các quy trình tiêm, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại trạm cho thấy thái độ của các nhân viên y tế ở đây đều tương đối tốt, đặc biệt không có trường hợp nào bị tiêm nhầm thuốc.
Sở Y tế Hải Phòng cũng đã liên hệ lại với số điện thoại đã liên hệ đến đường dây nóng, tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc thì chủ nhân số điện thoại khi thì cho biết đang bận, khi lại bảo nhầm máy…sau đó là tắt máy.
Ngày 15/1, một cuộc gọi phản ánh sản phụ Hạnh tại Cần Thơ trông quá trình chờ sinh nở tại BV Đa khoa Cần Thơ, gia đình sản phụ phải bồi dưỡng từ 500 đến 1 triệu thì sản phụ mới được các bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc cẩn thận. Gia đình rất bức xúc và đề nghị đường dây nóng kiểm tra sự việc.
Tuy nhiên, khi Sở Y tế TP Cần Thơ liên hệ với gia đình chị Hạnh thì được biết gia đình chị không hề phản ánh nội dung trên.
Ngày 17/1/2015, một cuộc gọi phản ánh sản phụ Đinh Thị Hoài đến sinh con tại Bệnh viện đa khoa Tam Điệp – Ninh Bình; Sau khi sinh, sản phụ này đã bị một bác sỹ đòi bồi dưỡng 600.000 đồng cho kíp hộ sinh.
Sau khi kiểm tra, rà soát danh sách các sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tam Điệp, Ninh Bình trong vòng hơn 10 ngày gần nhất với thời gian cuộc gọi phản ánh thì không có sản phụ nào có tên như trên đến sinh con tại Bệnh viện Đa Khoa Tam Điệp.
Sở Y tế Ninh Bình đã gọi điện đến số điện thoại đã liên lạc tới đường dây nóng thì được biết, chủ nhân số điện thoại là thợ xây đang làm việc tại Hà Nội. Người này cho biết là ngày 17/1 có đến bệnh viện thăm người nhà, khi ngồi ở hành lang và nghe đồn như vậy nên đã gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân có tên là Nguyễn Thị Trang phản ánh thái độ của các y bác sỹ Khoa phẫu thuật mạch máu bệnh viện thờ ơ, không quan tâm chăm sóc bệnh nhân…
Tuy nhiên, theo bệnh viện Chợ Rẫy thì ngày 21/2/2015 bệnh nhân Nguyễn Thị Trang nhập viện trong tình trạng rất nặng ( vỡ phình động mạch chủ bụng). Các bác sỹ đã chỉ định mổ cho bệnh nhân và đề nghị người nhà nộp tạm ứng viện phí. Người nhà bệnh nhân chỉ nộp tạm ứng 2 triệu đồng trong khi ca mổ dự kiến chi phí từ 20 đến 25 triệu đồng. Các bác sỹ vẫn tiến hành phẫu thuật bình thường và chăm sóc cho bệnh nhân sau đó. Thế nhưng, sau 15 ngày nằm điều trị tại bệnh viện, đến ngày 6/3, gia đình đã tự đưa bệnh nhân trốn viện về mà không thanh toán nốt viện phí.
Hay như trường hợp của chị Trần Thị Hiệp phản ánh đến đường dây nóng cho biết, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mất vệ sinh, không có người trực đường dây nóng….
Bộ Y tế cho rằng, việc phản ánh những bất cập, thực trạng trong lĩnh vực y tế là cần thiết, tuy nhiên người dân cần có thái độ nghiêm túc để có những phản ánh chính xác, thiết thực tránh gây mất thời gian cho các cán bộ liên quan trong công tác điều tra và giải trình.