"Đường" nào cho những "Nhóm Mua"?

Mới vào thị trường Việt Nam, ngay khi bắt đầu thu hút được lượng khách hàng nhất định, sau những phàn nàn về chất lượng dịch vụ, biến cố tại Nhóm mua – cty trang mạng bán hàng theo nhóm có thị phần lớn nhất ở Việt Nam thời điểm đó, đã khiến không ít khách hàng xa rời một hoạt động quan trọng của thương mại điện tử.

Mới vào thị trường Việt Nam, ngay khi bắt đầu thu hút được lượng khách hàng nhất định, sau những phàn nàn về chất lượng dịch vụ, biến cố tại Nhóm mua – cty trang mạng bán hàng theo nhóm có thị phần lớn nhất ở Việt Nam thời điểm đó, đã khiến không ít khách hàng xa rời một hoạt động quan trọng của thương mại điện tử.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tiền lệ xấu của Nhóm mua

Nhóm mua là trang mạng bán hàng theo nhóm có thị phần lớn trên thị trường, khi hoạt động bình thường, mỗi ngày Nhóm Mua bán ra thị trường từ 6.000 - 7.000 voucher (phiếu mua hàng) với sự hợp tác của 2.000 - 2.500 nhà cung cấp.

Chính vì thế, vì vấn đề nội bộ, nên việc công ty đóng cửa rồi mở cửa, website dừng hoạt động rồi hoạt động trở lại gây “rúng động” thị trường mua theo nhóm còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam.

Không xáo trộn sao được, khi bỗng dưng văn phòng công ty đóng cửa, website ngừng hoạt động, voucher  của Nhóm Mua bị nhiều cửa hàng từ chối cung cấp dịch vụ, sản phẩm… Chỉ sau một đêm, cả đống voucher nhiều người đã mua trước đó bỗng thành đống giấy lộn.

Trong vài ngày voucher của Nhóm Mua bị từ chối, khách hàng bối rối không biết kêu ai, thì lãnh đạo công ty và các cơ quan quản lý đều không thấy đâu. Sự việc Nhóm Mua bỏ rơi khách hàng một cách rất thiếu chuyên nghiệp lẽ ra nên xếp vào một trong những sự kiện đáng chú ý của thương mại điện tử Việt Nam trong năm vừa qua.

Mặc dù Nhóm Mua thông báo hoạt động trở lại hôm 24/12/2012, nhưng cũng còn không ít khách hàng chưa thể biết chính xác những cửa hàng nào chấp nhận sử dụng lại voucher tại công ty này.

Giảm giá: Tiếp thị hay xả kho?

Một chuyên gia về mô hình kinh doanh này chia sẻ, ở Việt Nam, bản chất mua theo nhóm xuất phát từ mô hình Groupon (Mỹ) đang bị biến đổi, không còn gọi mua theo nhóm nữa mà là mô hình bán lẻ giảm giá.

Mục đích chính của mô hình này đầu tiên là nhà cung cấp bán hòa hoặc bán lỗ, để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Nhưng gần đây, mô hình đã biến đổi.

Ngoài việc nhà cung cấp sử dụng chương trình khuyến mại bán lỗ hoặc bán hòa để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, còn nhiều trường hợp khác như khách sạn, spa… không đủ công suất nên người ta bán lấp chỗ trống, nhờ vậy giá giảm rất nhiều.

Thực chất ở đây không phải bán để giới thiệu dịch vụ mà bán hàng tồn kho, và các nhà cung cấp có sản phẩm ở dạng tồn kho cũng xả hàng, thậm chí bán thấp hơn giá thành để thu hồi vốn. Vì thế đã và đang xuất hiện nhiều hàng hóa trên mô hình mua theo nhóm. Cách thức này, mới thoạt nhìn thì các bên gồm cả người tiêu dùng, các nhà cung cấp và các website sàn giao dịch đều được lợi cả.

Do dễ làm, dễ gia nhập cho nên sinh ra hàng trăm website hòa nhập, tham gia thị trường, và như thế sẽ có website có chất lượng kém, làm ăn không đàng hoàng, và từ đấy gây ảnh hưởng xấu tới thị trường.

Thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, nhiều website mua theo nhóm “bung” ra, sau đó cũng "chết" rất nhiều. Do đặc điểm của mô hình là website đứng ra thu tiền trước của người tiêu dùng sau đó thanh toán lại cho nhà cung cấp, trong thời gian người tiêu dùng không dùng dịch vụ ngay. Vì vậy, các sàn giao dịch được nắm vốn trước và khi đó tạo ra rủi ro cho người tiêu dùng cũng như voucher.

Có còn rộng cửa?

Sau khi nhiều công ty mua theo nhóm đóng cửa, chắn chắn lòng tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử sẽ giảm, điều đó cũng sẽ gây bất lợi cho ngành thương mại điện tử.

“Trong kinh doanh ở mọi lĩnh vực nói chung và ở thương mại điện tử nói riêng, cũng có những đối tượng lợi dụng sự phát triển của TMĐT để tiến hành những hoạt động bất chính gây tổn hại đến sự phát triển chung của TMĐT. Mặc dù là một tỷ lệ vô cùng nhỏ, nhưng trong thời đại công nghệ thông tin khi nó gây tác động thì hậu quả lan truyền của nó rất lớn” – ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chia sẻ - “Pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng TMĐT gây tổn hại đến uy tín chung”.

“Theo tôi, những công ty còn lại nếu tiếp tục làm ăn nghiêm túc, có chất lượng thì sớm muộn cũng lấy lại được uy tín cho thị trường. Mình cứ làm tốt thì cuối cùng thị trường cũng thừa nhận, tuy có nghi ngờ băn khoăn nhất định” - ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp), một đơn vị cũng có website đang hoạt động theo mô hình mua theo nhóm, chia sẻ với báo chí.

“Thị trường mua theo nhóm vẫn bền vững vì “đánh” đúng vào nhu cầu giảm giá, trong khi, giảm giá là nhu cầu chung của tất cả các doanh nghiệp và sàn giao dịch thương mại khai thác nhu cầu giảm giá đấy. Còn nhu cầu của người tiêu dùng thì lúc nào cũng có rồi. Vì thế tính bền vững của mô hình là lâu dài. Đây là một thị trường quan trọng, giúp doanh nghiệp xả hàng tồn kho, giới thiệu sản phẩm mới, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp khai thác hết công suất của những điểm còn chỗ trống” – ông nói.

Theo ông Tân, để thị trường mua theo nhóm phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, trong lúc bán hàng, thông tin phải được minh bạch tối đa giúp người dùng hiểu được sản phẩm để mua, hiểu và nhận biết được tất cả các rủi ro phát sinh, để lường được mặt lợi mặt hại, cũng như biết trước được sản phẩm mua sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, nếu có những quy định tốt để hai bên doanh nghiệp và sàn giao dịch bán lẻ giảm giá ký với nhau hợp đồng và cấu trúc hợp đồng tốt, đảm bảo rủi ro cho người tiêu dùng là tối thiểu thì sẽ tạo nên sự lành mạnh, phát triển cho thị trường.

Lê Minh

Đọc thêm