Đường sắt Cát Linh - Hà Đông càng chậm khai thác càng gây thất thoát

(PLVN) - Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự, chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự, chủ trì Hội nghị. 

1.163 km cao tốc, 24.598 km quốc lộ

Theo báo cáo, tai nạn giao thông (TNGT) giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí so với giai đoạn 2011-2016, công tác kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành đã đồng bộ trên toàn quốc; công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Về vận tải, trong 5 năm vừa qua, chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11/2020, sản lượng vận tải ước đạt 1.606,312 triệu tấn hàng, giảm 6,2%; vận tải hành khách đạt 3.215,868 triệu lượt, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. 

Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỉ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.  

Đường bộ cao tốc ở khu vực phía bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam Bộ và phía bắc, TP HCM - Trung Lương nối các tỉnh ĐBSCL; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.

Ngành giao thông trong năm 2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn; trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và TP HCM chưa giải quyết được triệt để đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Hệ thống GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhiều lần “lỡ hẹn”. 

Tập trung đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác

Phát biểu tại hội nghị, đề cập tới Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết mặc dù thời gian qua việc triển khai dù rất nỗ lực nhưng dự án đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo Phó Thủ tướng, đường sắt khác với đường bộ. Đường bộ làm xong có thể thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác, sử dụng. Thậm chí, có dự án sử dụng 1-2 năm vẫn chưa bàn giao; có những công trình đường bộ chưa xong thủ tục đã đưa vào khai thác, vì đường bộ an toàn và không nguy hiểm như đường sắt.

"Đường sắt có những yếu tố đặc thù, đặc biệt là phải thử nghiệm an toàn thì mới có thể khai thác sử dụng", Phó Thủ tướng nói và cho biết: "Tôi đã ngồi trên tàu Cát Linh - Hà Đông đi thử mấy lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động".

Phó Thủ tướng cho rằng phải có bản lĩnh và đưa dự án vào khai thác: "Phải tập trung đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, càng chậm thì càng kém hiệu quả, gây những thất thoát vô hình, thất thoát không vào Nhà nước, không vì mất hay vào ai cả...".

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nhu cầu giao thông công nghệ, hệ thống đường sắt đô thị kết nối ở các đô thị lớn là rất cần thiết: "Hà Nội đang quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, TP HCM 8 tuyến, cả 2 TP này cần từ 70-80 tỷ USD để xây dựng hoàn thiện các dự án. Nhu cầu tương lai với loại hình này nói riêng là rất lớn nhưng kinh phí, ngân sách Nhà nước hạn chế".

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương kêu gọi đầu tư, xây dựng hoàn thiện các hệ thống pháp luật, giúp các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục để sớm đưa các dự án vào triển khai, sớm hoàn thiện phục vụ người dân. 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện Dự án là 11/2008 tới 11/2013, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án đã "lỡ hẹn" đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của Dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên  cao, Dự án vận hành thử liên động vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị "phá sản" do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết. 

Hiện Dự án đang được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ ngày 12/12 - 31/12/2020. Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án để bàn giao cho Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Đọc thêm