Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm kế hoạch chạy thử do thiếu vốn

(PLO) - Bộ GTVT mới xác nhận Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không thể vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2017 như kế hoạch đề ra do gặp khó khăn về tài chính.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm kế hoạch chạy thử do thiếu vốn

Theo Bộ GTVT, dự án hiện hoàn thành đến 95% giá trị xây lắp, tuy nhiên, phần còn lại bị đình trệ bởi thiếu vốn triển khai.

Nhiều hạng mục đều đang thi công dở dang, trong đó tòa nhà điều hành chính (deport) chủ yếu mới xong phần xây dựng thô, một số nhà ga khác chưa xong phần xây dựng. Các khu nhà xưởng, đường nội bộ cũng chưa được hoàn thiện.

Nguyên nhân là việc giải ngân 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án này bị chậm trễ, do vướng mắc các thủ tục pháp lý từ các bộ, ngành và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong việc dự án chậm tiến độ thi công. Bộ GTVT cho biết đã làm việc với các cơ quan liên quan để có biện pháp tháo gỡ.

Đại diện Bộ GTVT - Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay là vốn. Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng, nên nhu cầu về vốn rất lớn nhưng việc cung cấp bị chậm trễ.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu Tổng thầu EPC báo cáo chi tiết tất cả hạng mục và thời hạn hoàn thành cụ thể; rà soát nhân lực đang tham gia dự án, trường hợp không đáp ứng được phải đề xuất thay thế.Phải đảm bảo tiến độ dự án như đã cam kết, không thể để tình trạng hạng mục nào cũng dở dang.

Bộ GTVT sẽ đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc yêu cầu thực hiện theo cam kết.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án này có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2008 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%) vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án chính thức khởi công năm 2011. Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Đọc thêm