Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: “Chạy nước rút” để vận hành thương mại

(PLVN) - Những phần việc cuối cùng đang được thực hiện để tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) được đưa vào vận hành thương mại, trong đó có việc vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày để hoàn thành đánh giá an toàn.
Hệ thống giao thông công cộng dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được tổ chức lại để tăng tính kết nối.
Hệ thống giao thông công cộng dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ được tổ chức lại để tăng tính kết nối.

Vận hành thử từ 5h đến 23h hàng ngày

Theo quan sát của phóng viên PLVN, tại các nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thiện các hạng mục như máy bán vé, cổng soát vé, thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảng chỉ dẫn, camera, đồng hồ điện tử, hệ thống loa... Hệ thống thang máy dành cho người khuyết tật cũng đã được lắp đặt. Bên trong tòa điều hành đã thi công hoàn tất hệ thống máy chủ tại Trung tâm điều hành. Các phân khu chức năng như xưởng sửa chữa, nơi vệ sinh tàu đều hoàn thành lắp đặt máy móc, thiết bị. 

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), nhân sự để vận hành đoàn tàu cũng đã sẵn sàng. Trong đó, sau một quá trình đào tạo, các lái tàu đã có thể độc lập điều khiển tàu một cách thành thục mà không cần sự kèm cặp của các chuyên gia đào tạo thực hành.

Như vậy, các hạng mục kỹ thuật và nhân sự đã sẵn sàng để tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam đi vào vận hành thương mại. Hiện tại, công việc quan trọng còn lại là việc các chuyên gia độc lập kiểm tra mức độ an toàn của đoàn tàu. Được biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập.

Nội dung đánh giá có các hạng mục là: Độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn. Hơn 100 người của Tổng thầu EPC Trung Quốc và gần 10 chuyên gia Pháp đã có mặt ở dự án.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) (đại diện Chủ đầu tư), các chuyên gia nước ngoài đang phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc và các cơ quan liên quan của Việt Nam để đánh giá mức độ an toàn của đoàn tàu.

Theo ông Phương, từ 12 đến 31/12 tới đây, tức trong 20 ngày, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn. Theo đó, trong thời gian vận hành thử, đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống; diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Trong thời gian vận hành thử toàn bộ hệ thống, các đoàn tàu sẽ hoạt động từ 5h-23h hàng ngày. Trong giờ bình thường tổ chức chạy 6 đoàn, giờ cao điểm chạy 9 đoàn theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến hai ga Cát Linh - Yên Nghĩa.

Tăng cường kết nối giao thông đô thị

Theo lãnh đạo BQLDA Đường sắt, trước khi vận hành thử hệ thống 20 ngày, tổng thầu dự án sẽ chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt. Theo đó, ba ngày đầu sẽ kiểm tra hạng mục chạy tàu giao lộ nhỏ, kết hợp chạy giao lộ nhỏ và lớn; kiểm tra giãn cách 2, 3 phút/chuyến; các đoàn tàu chạy nối tiếp nhau 120 giây; diễn tập các tình huống xử lý sự cố.

Trong năm ngày tiếp theo, có 6 đoàn tàu được đưa vào chạy thử trong thời gian 8h-18h từ đầu đến cuối ga ở cả hai hướng tuyến để nhân viên Metro Hà Nội tại các vị trí, bộ phận phối hợp vận hành theo quy trình biểu đồ chạy thử 20 ngày.

Cũng theo lãnh đạo BQLDA Đường sắt, hệ thống đường sắt được vận hành theo cơ chế điều khiển tập trung, tự động từ Trung tâm Điều hành OCC đặt tại Depot Hà Đông. Các thông tin, tín hiệu của hệ thống tự động truyền về trung tâm điều hành để phục vụ chỉ huy, điều hành. Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.

Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội đã lên kịch bản để điều chỉnh luồng tuyến mạng lưới xe buýt khi đường sắt Cát Linh vận hành nhằm tăng cường sự kết nối giao thông đô thị. Theo đó, sau 15 ngày đầu đoàn tàu chạy miễn phí, đường sắt hoạt động với 10 đoàn tàu, Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình đối với 4 tuyến buýt (02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Bên cạnh việc xây dựng lại mạng lưới xe buýt dọc tuyến đường sắt đô thị đi qua, Hà Nội cũng lên phương án điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tại ga bến xe Yên Nghĩa ngoài các tuyến xe buýt hiện có sẽ mở mới 5 tuyến buýt từ bến xe Yên Nghĩa đi Phùng; Hoài Đức; Miếu Môn; Hồng Dương; Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài.

Theo thiết kế tổng thể, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h. 

Theo thiết kế tổng thể, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.

Đọc thêm