Đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: Các bộ, ngành góp ý thế nào về đề xuất điều chỉnh dự án?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  6 bộ, ngành gồm: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao đã có văn bản góp ý đối với đề xuất điều chỉnh Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của UBND TP Hà Nội.
Tình trạng “đội” vốn nghìn tỉ đang diễn ra ở hầu hết các dự án đường sắt đô thị.
Tình trạng “đội” vốn nghìn tỉ đang diễn ra ở hầu hết các dự án đường sắt đô thị.

Tránh “đội” vốn, chậm tiến độ

Theo đó, Bộ Ngoại giao lưu ý: Dự án (DA) được phía Nhật Bản rất quan tâm và đã nhiều lần phản ánh trong các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ và một số cấp làm việc khác. Bộ nhất trí với chủ trương thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm triển khai các gói thầu thi công xây lắp trên cơ sở đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, tránh tiếp tục bị “đội” vốn, chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần hiệp định vay, làm phát sinh các chi phí không cần thiết, tạo dư luận không tốt.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: DA đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2007-2008, Hiệp định vay vốn với JICA đã được ký năm 2009 và được gia hạn giải ngân đến năm 2009. Tuy nhiên, do quá trình xem xét, thẩm định kéo dài nên từ năm 2012 đến nay chưa triển khai các gói thầu thi công, xây lắp và thiết bị dự án dẫn đến thay đổi quy mô đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư; đề nghị Hà Nội nêu rõ cơ sở đề xuất kéo dài thực hiện đến năm 2027, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thời gian điều chỉnh (dự kiến vốn vay JICA thực hiện từ năm 2021-2027). Ngoài ra, Hà Nội cần xem xét, tăng cường năng lực thực hiện của chủ DA, tư vấn đề đẩy nhanh tiến độ DA, không kéo dài thêm tránh gia tăng chi phí.

Về đề xuất thời gian thực hiện DA từ 2009-2032 trong đó hoàn thành xây dựng năm 2027 và 5 năm đào tạo, vận hành, bảo dưỡng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị Hà Nội rà soát cụ thể mốc tiến độ triển khai đảm bảo phù hợp. Bởi kinh nghiệm triển khai các DA đường sắt đô thị tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng, hoàn thành DA trong năm 2027 là khó khả thi. Đồng thời cần xem xét rút ngắn thời gian đào tạo vận hành nhằm giảm chi phí đầu tư của DA.

Cần đảm bảo khả năng cân đối vốn

Có ý kiến với đề xuất của Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 25/5/2018 có tuyến đường sắt đô thị tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với diện tích 23,05ha.

Với đề xuất mới, Hà Nội cần xác định rõ diện tích các loại đất phải thu hồi theo phân loại đất quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ TN&MT quy định việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; việc sử dụng đất thực hiện DA phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan.

Theo đề xuất của Hà Nội, chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở tham khảo suất chi phí đầu tư của 3 DA (dữ liệu DA tuyến 1 TP HCM năm 2010, DA Jakarta MRT năm 2015, DA tuyến 3 Hà Nội năm 2017). Đối với nội dung này, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện nay đã có nhiều DA tương tự được triển khai trong và ngoài nước, cơ sở dữ liệu của các dự án này là cơ sở quan trọng để làm tài liệu tham khảo cho DA. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội nghiên cứu vận dụng số liệu của các DA mới này làm cơ sở tính toán xác định chi phí phù hợp và có tính thuyết phục cao. Bộ Xây dựng cũng lưu ý cần rà soát, cập nhật các khoản mục chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy định và mặt bằng giá tại thời điểm điều chỉnh.

Liên quan đến khả năng cân đối nguồn vốn cho DA, Bộ Tài chính lưu ý: Trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của DA trên, Hà Nội vẫn đảm bảo không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương. Cũng theo Bộ Tài chính, việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Hà Nội được vay trong năm 2021 là 1.596,2 tỷ đồng, gồm: Vay để bù đắp bội chi là 807,2 tỷ đồng, vay trả nợ gốc là 789 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hà Nội chưa dự kiến khoản vay lại của DA tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (DA Cát Linh - Hà Đông), dự kiến sẽ tiếp nhận bàn giao từ Bộ GTVT khoảng 98,245 triệu USD (tương đương 2.274,07 tỷ đồng). Trong đó, dự kiến 2021 sẽ rút vốn khoảng 9,7 triệu USD (tương đương 224,526 tỷ đồng).

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát lại khả năng cân đối trong trung hạn có tính đến khoản vay lại của DA Cát Linh - Hà Đông, dự kiến khả năng cân đối vốn để bố trí cho các DA trong năm 2021-2025, đảm bảo không vay vượt quá mức dự nợ cho phép theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm