Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đợi nghiệm thu, chờ được khai thác thương mại

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang chờ nghiệm thu để có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chính thức được cấp Chứng nhận an toàn hệ thống. (Ảnh: MRB)
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chính thức được cấp Chứng nhận an toàn hệ thống. (Ảnh: MRB)

Trước đó ngày 23/7, trong Thông báo số 340 kết luận Phiên họp thứ 2 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM, có nêu rõ: "Về tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị, yêu cầu UBND TP Hà Nội bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28/7, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành".

Tuy nhiên, đến hôm nay 31/7, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động.

Trong hôm nay (31/7), Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có buổi đi kiểm tra hiện trường lần cuối trước khi họp để chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình và thống nhất đưa Đoạn tuyến trên cao Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành thương mại vào đầu tháng 8/2024.

Trước đó, ngày 30/7, đoạn trên cao của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã chính thức được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, chứng nhận xác nhận tuyến đường sắt đô thị được thiết kế, xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quản lý an toàn và đủ điều kiện an toàn vận hành.

Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống (ATHT) đường sắt đô thị số 356 ngày 30/07/2024. Giấy chứng nhận ATHT là yêu cầu bắt buộc, thuộc điều kiện tiên quyết để đưa một dự án đường sắt đô thị đô thị vào vận hành thương mại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sáng ngày 30/7, MRB đã cùng với tư vấn và các nhà thầu đã khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) cho đoạn tuyến đi ngầm của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027. Việc khởi công được tổ chức tại tầng đáy nhà ga S9 - Kim Mã.

Ngày 29/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cấp Giấy phép môi trường số 276 cho phép Đơn vị vận hành được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Đoạn trên cao Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội” tại các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa và Ba Đình. Dự án có tiêu chí như dự án nhóm A (phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công) và có tiêu chí về môi trường như dự án nhóm I theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thời hạn của Giấy phép là 7 năm.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoạn trên cao của Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được triển khai thực hiện đến nay đã hoàn thành công tác thi công, tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục và quản lý chất lượng công trình xây dựng: Đã được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH công nhận kết quả nghiệm thu PCCC; Tư vấn đánh giá chứng nhận ATHT đã cấp chứng chỉ ATHT; Bộ GTVT đã cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ ATHT; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép môi trường.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4km.

Lộ trình của tuyến: điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

Khi đi vào vận hành chính thức, Metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ cung cấp một phương tiện giao thông công cộng hiện đại, nhanh chóng và thân thiện với môi trường, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đồng thời kết nối các khu vực đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và du lịch.

Đọc thêm