Đường sắt Việt Nam: Thách thức trong việc phát huy mô hình mới

(PLO) - Năm 2016 kết thúc với ngành đường sắt khi một loạt chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch. 
Ngành đường sắt đang nỗ lực để không tụt hậu. Ảnh minh họa
Ngành đường sắt đang nỗ lực để không tụt hậu. Ảnh minh họa

Ngoài nguyên nhân khách quan chưa từng có trong lịch sử ngành đường sắt, theo Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Tá Tùng, đây là năm đầu tiên VNR tổ chức thực hiện nhiệm vụ SXKD theo mô hình tổ chức mới sau giai đoạn tái cơ cấu 2012-2015, do vậy việc phát huy hiệu quả của mô hình mới, nhất là phục hồi thị phần của ngành đường sắt sẽ là thách thức lớn của ngành đường sắt trong năm 2017.

Nhiều chỉ tiêu không đạt

Thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch SXKD năm 2017  của VNR  cho biết, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2016 đã không đạt được. Cụ thể, sản lượng toàn Tổng Công ty chỉ đạt 7.975,1 tỷ đồng, đạt 87,7% so với cùng kỳ, doanh thu 8.338,0 tỷ đồng, đạt 88,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 137 tỷ đồng; thu nhập bình quân toàn Tổng Công ty dự kiến đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng đạt 95,2% so với cùng kỳ...

Với công ty mẹ, mặc dù lợi nhuận sau thuế đạt 112,29 tỷ đồng tăng 29,1% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch, song lợi nhuận này chủ yếu từ hoạt động tài chính. Năm 2016 dự kiến thu từ thoái vốn, cổ phần hóa các đơn vị và hoạt động tài chính khác là 155,66 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc VNR, ông Đoàn Duy Hoạch, ngoài sản lượng và doanh thu toàn Tổng Công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch, một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cũng chưa thực hiện được như: Đồng nhất tải trọng trên toàn tuyến đường sắt Bắc Nam; tổ chức chạy tàu kế tiếp có đủ điều kiện…

“Năm 2016 là một năm đặc biệt khó khăn với ngành đường sắt, sự cố sập cầu Ghềnh ảnh hưởng đến kế hoạch chạy tàu hơn 3 tháng, vừa khắc phục được thì ô nhiễm môi trường biển, bão lũ khu vực miền Trung... Tuy nhiên, về chủ quan tuy các Công ty vận tải đã đổi mới về tư duy và cách làm nhưng chưa theo kịp với thị trường, nên các giải pháp đề ra chưa mang lại kết quả như mong đợi; chưa tổ chức được vận chuyển từ kho đến kho, giá cước vẫn chưa cạnh tranh và phù hợp với thị trường. Cá biệt còn có đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình tổ chức mới không kịp thích ứng nên kết quả sản xuất kinh doanh rất thấp...” - Phó Tổng Giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch phân tích.

Tái cơ cấu và bài toán hiệu quả

Năm 2016, VNR đã thực hiện thoái vốn tại 30 công ty, trong đó: đã thoái vốn toàn bộ tại 12 Công ty cổ phần, thoái một phần vốn (do thoái nhưng chưa hết) tại 08 Công ty cổ phần, thoái vốn nhưng không thành công: 04 Công ty cổ phần. Tổng Công ty cũng đang tiếp tục tổ chức thoái vốn tại 05 công ty cổ phần. Đáng lưu ý là tổng giá trị đã thoái vốn theo mệnh giá là 204,31 tỷ đồng, song giá trị thu về là 404,91 tỷ đồng, gấp 1,98 lần giá trị đầu tư. Trong năm 2016, VNR cũng đã thực hiện thành công công tác cổ phần hóa 24/24 Công ty TNHH MTV, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 01/01/2016. 

Theo nhận định của VNR, trong năm 2016, các đơn vị đã tập trung ổn định tổ chức, SXKD theo mô hình mới; hoàn tất công tác xử lý tài chính, quyết toán cổ phần hóa, bàn giao đất đai, tài sản giữa công ty TNHH MTV và công ty cổ phần, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian đầu chuyển đổi mô hình tổ chức; thực hiện việc đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán, công bố thông tin trên sàn Upcom đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc VNR Vũ Tá Tùng, ngoài những nguyên nhân khách quan không đề cập đến thì vấn đề phát huy hiệu quả của mô hình mới đang là vấn đề đặt ra cho năm 2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đánh giá cao nỗ lực của tập thể CB-CNV ngành đường sắt trong  bối cảnh “thảm họa kép” của ngành đường sắt năm 2016. “Trong thảm họa đó thấy được nỗ lực chung của ngành đường sắt, trong đó nỗ lực thành công của Công ty mẹ. Tuy nhiên, năm 2016 có một điểm mới, đây là năm đầu tiên vận hành mô hình mới sau tái cơ cấu. Đề nghị Tổng Công ty phải tập trung đánh giá, phải có điều chỉnh, đến cấp nào có thẩm quyền phê duyệt... để mô hình mới thực sự phát huy hiệu quả...”, Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng lưu ý trong năm 2017 này, tái cơ cấu vẫn phải tiếp tục mặc dù có những cái đưa vào mô hình mới cần phải nghiên cứu để “chạy” trơn tru, mục tiêu là duy trì ổn định, duy trì khai thác tốt hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, phục hồi thị phần ngành đường sắt, và nhất định không để ngành đường sắt tụt hậu...

Đọc thêm