Ngày 15/6/2010, Công ty Cổ phần (CTCP) Ô tô Giải Phóng (viết tắt GMC, bên được bảo lãnh) và tổ chức bảo lãnh phát hành - CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (viết tắt là SHS, bên bảo lãnh) ký hợp đồng dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành CP.
Theo Điều 2 của Hợp đồng này, SHS nhận đứng ra bảo lãnh cho các đợt phát hành thêm chứng khoán huy động vốn năm 2010 của doanh nghiệp nếu có yêu cầu. Việc bảo lãnh phát hành chỉ được triển khai khi đạt được sự thỏa thuận nhất trí của cả hai bên về quy mô, phương thức, số lượng cam kết bảo lãnh và mức giá bảo lãnh. Phương thức bảo lãnh: mua toàn bộ số CP phát hành còn lại chưa được phân phối hết sau khi đã được thực hiện đầy đủ các bước chào bán cần thiết theo phương án phát hành.
Cam kết mua
Ngày 4/10/2010, hai bên ký cam kết bảo lãnh phát hành CP của GMC. Theo Điều 2 của cam kết này: “Bên bảo lãnh nhận bảo lãnh phát hành CP theo phương thức: bên bảo lãnh cam kết mua toàn bộ số cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu còn lại không được phân phối hết sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước chào bán theo phương án phát hành và kết thúc thời hạn chào bán theo quy định của pháp luật với mức giá 12.000 đồng/cổ phần (mười hai nghìn đồng mỗi cổ phần)”.
Dựa trên kết quả tư vấn của SHS, theo Hợp đồng dịch vụ tư vấn số 273/HĐTV ngày 15/6/2010, đến ngày 29/10/2010, GMC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán CP ra công chứng số 720/UBCK-GCN, ghi rõ: “CTCP Ô tô Giải Phóng được đăng ký chào bán ra công chúng 9.013.945 CP; trong đó 7.211.047 CP cho cổ đông hiện hữu; 1.802.898 CP cho đối tác chiến lược. Thời hạn phân phối 90 ngày (kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận)”.
Trên cơ sở Giấy chứng nhận chào bán cổ phần này, thực hiện cam kết bảo lãnh phát hành CP giữa GMC và SHS, ngày 4/10/2010 SHS đã tiến hành chào bán cổ phần của GMC, với đầy đủ các bước chào bán theo phương thức phát hành.
Tuy nhiên, đến hết ngày 29/2/2011 - thời hạn phải hoàn thành việc phân phối CP theo Giấy chứng nhận số 720/UBCK-GCN và thêm thời gian gia hạn 30 ngày (theo Quyết định số 1112/QĐ-UBCK ngày 27/12/2010), số CP đã bán cho cổ đông hiện hữu chỉ được 163.362 CP; số CP chào bán hiện hữu còn lại không được phân phối hết - tức là “bị ế” 7.047.685 CP.
“Chạy làng”?
Trước tình hình này, GMC đã nhiều lần trực tiếp và bằng văn bản yêu cầu SHS thực hiện cam kết bảo lãnh ngày 4/10/2010, tuy nhiên đến thời điểm này, SHS vẫn không thực hiện.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, GMS đã khởi kiện SHS ra tòa yêu cầu: “SHS có trách nhiệm phải mua toàn bộ số cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu còn lại không phân phối hết, với mức giá 12.000 đồng/1 CP. Tuy nhiên, với thiện chí chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng thị trường, vì quan hệ hợp tác thân thiện lâu dài giữa hai bên, GMC yêu cầu SHS thực hiện 50% trách nhiệm của mình, phải mua 3.523.842 CP x 12.000 đồng/1 CP = 42.861.100.000 (bốn mươi hai tỷ tám trăm sáu mươi mốt triệu một trăm đồng)”.
Tại Bản án số 15/2013 ngày 30/12/2013, TAND quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) phán quyết: “Về hình thức và nội dung hợp đồng và cam kết bảo lãnh phát hành CP được ký giữa GMC và SHS là đúng quy định pháp luật chứng khoán, hai bên chỉ tranh chấp việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Qua phân tích thì thấy cả hai bên đều có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng do GMC đã không chủ động nắm bắt số lượng CP không bán hết để báo cho SHS thực hiện nghĩa vụ khi thời hạn phát hành vẫn còn nên GMC phải chịu 70% lỗi, SHS phải chịu 30% lỗi với số lượng CP không bán được là 7.047.685 CP.
Theo đó, SHS phải mua 2.114.305 CP của GMC với giá 12.000 đồng/1 cổ phần = 25.371.666.000 đồng. Đây là giá trị số lượng cổ phần của GMC mà SHS phải thực hiện nghĩa vụ cam kết bảo lãnh”.
Không đồng tình với phán quyết của TAND quận Hoàn Kiếm, GMC đã khiếu nại Bản án số 15/2013/KDTM-ST ngày 30/12/2013 lên TAND TP.Hà Nội, tiếp tục giữ nguyên yêu cầu ban đầu với SHS với khoản “chống ế” 42 tỷ đồng.
Không riêng người trong cuộc, cả thị trường đang hồi hộp chờ đợi phán quyết của TAND TP.Hà Nội, mà nói như cách hài hước của một giám đốc công ty: “Chúng tôi tìm thấy mình trong đó”./.