Phiên giao dịch chứng khoán hôm qua 12/5, kịch bản tiêu cực của phiên giao dịch ngày 8/5 tái diễn. VN-Index tuột dốc không phanh, lần lượt xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng trước áp lực khủng của lượng cung bán tháo hàng. Đóng cửa phiên chiều, chỉ số giảm mạnh 25,41 điểm (tương đương giảm 4,68%) lùi xuống còn 517,05 điểm.
Nhà đầu tư hoảng loạn
Công ty Chứng khoán FPT ghi nhận, NĐT đã hoảng loạn cao độ. Cổ phiếu lớn, nhỏ bị bán đổ bán tháo giá sàn không thương tiếc. Dư mua trên bảng giao dịch điện tử trống trơn từng mảng lớn. Tốc lực rơi nhanh và mỗi lúc một thêm mạnh. Đến gần ngưỡng 510 điểm, đà giảm của VN-Index ngưng lại và chỉ số có thời gian đi ngang khá dài cho đến khi thị trường đóng cửa phiên chiều.
Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn phiên này chỉ đạt hơn 99 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.670,63 tỷ đồng.
Tình hình cũng diễn ra tương tự trên sàn Hà Nội. Áp lực bán tăng mạnh, đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần mới, HNX-Index đảo chiều giảm sâu 3,5 điểm (tương đương 4,72%) xuống còn 70,69 điểm. Có tới 220 mã giảm, chỉ còn 30 mã tăng và 17 mã đứng giá. Thanh khoản thấp. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt gần 57 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 505,04 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp dính hai cú “sốc” nặng tính từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
Nhìn nhận về nguyên nhân “sập sàn”, hầu hết các công ty chứng khoán đều chung nhận định là do tâm lý từ tình hình căng thẳng trên biển Đông. Trong khi đó, về cơ bản, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước đều tích cực.
Không nên mất tiền oan vì suy đoán thiếu căn cứ
Trong cơn hoảng loạn hôm qua trên các sàn giao dịch, liên hệ từ thông tin nhiều website ở Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công, thậm chí một số NĐT còn đưa ra suy đoán có “tác động” từ các dòng tiền liên quan đến bên kia biên giới.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một suy đoán thiếu căn cứ. Theo ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng, thông tin cho rằng “quỹ đầu tư liên quan đến Trung Quốc đánh xuống” là không có cơ sở.
“Các quỹ đầu tư ở Việt Nam chủ yếu là các quỹ đến từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tôi chưa bao giờ nghe có quỹ nào từ Trung Quốc hoặc các quỹ liên quan đến Trung Quốc” – ông Khánh nói. Theo vị này, cũng có sự tham gia của một quỹ trong khu vực, nhưng chỉ là những quỹ nhỏ.
Đặc biệt, chuyên gia này phản biện: Tại sao thị trường chứng khoán hoảng loạn như vậy trong khi thị trường ngoại hối - tỷ giá rất ổn định?. “Nếu thực sự có một động thái gây tính chất bất an chẳng hạn thì tỷ giá đã biến động rồi, ý tôi nói là tỷ giá tự do, nhưng như mọi người thấy tỷ giá tự do hiện rất ổn định. Đồng thời là thị trường vàng, các quan sát đều cho thấy các dòng tiền đầu cơ hoàn toàn không đi gom vàng. Thậm chí giá vàng còn giảm sâu so với tuần trước. Nếu mà trường hợp có bất ổn thực sự thì người ta đã mua vàng rồi. Vì vậy chỉ có thể là vì NĐT chứng khoán nhạy cảm quá” – ông Khánh phân tích.
“Đằng sau động thái đánh xuống này, điều mà tôi có thể thấy khả năng là do chính các “tay to” chuyên làm giá trên thị trường, không phải ai khác” – vị này cho biết thêm.
Sau phiên ngày 8/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra cảnh báo đề nghị NĐT cần bình tĩnh, thận trọng, tránh bị lợi dụng khiến ảnh hưởng tới quyết định đầu tư. Ủy ban này cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường và xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường. Nhưng với những gì vừa xảy ra ở phiên ngày hôm qua, dường như thông điệp này vẫn chưa đủ sức nặng.