"Điểm mặt" 10 cổ phiếu giá 'bèo' khởi sắc nhất sàn chứng khoán

(PLO) - Trên 80 cổ phiếu đang niêm yết tại hai sàn Hà Nội và TP HCM vừa thoát cảnh giao dịch dưới 5.000 đồng sau hơn 3 tháng đầu năm nhờ tăng mạnh thị giá 100-200%.
Hơn 3 tháng trôi qua, cả Vn-Index và HNX-Index đều liên tiếp xác lập các đỉnh mới với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Hàng loạt cổ phiếu theo đó cũng tăng giá mạnh, trong đó nổi bật nhất phải kể đến những mã có thị giá rẻ.
Nếu như cuối năm ngoái, hai sàn chứng khoán có 144 cổ phiếu thị giá dưới 5.000 đồng thì đến đầu tháng 4/2014, 95% số này tăng giá. Trong đó 81 mã đã thoát cảnh giá dưới 5.000 đồng, và phần nhiều đều đạt tốc độ tăng trên 100%. Dưới đây là 10 cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất tại hai sàn chứng khoán.
1. QCC - tăng 200%
Cổ phiếu QCC do Công ty cổ phần Xây lắp và Phát triển Dịch vụ Bưu điện Quảng Nam niêm yết vào tháng 6/2010. Qua hơn 3 tháng đầu năm, mã này vừa lên mặt bằng giá mới sau thời gian dài giao dịch dưới 5.000 đồng. Đóng cửa phiên ngày 10/4, QCC đạt 6.300 đồng, tăng 200% so với cuối năm 2013. Tại thời điểm mới niêm yết, QCC từng có giá hơn 16.000 đồng nhưng sau đó liên tục tụt dốc và từng có lúc giao dịch với mức 1.800 đồng.
Năm 2013, lợi nhuận sau thuế Công ty Xây lắp và Phát triển Dịch vụ Bưu điện Quảng Nam đạt trên 393 triệu đồng, tăng 215% so với một năm trước. Số lợi nhuận này có phần khiêm tốn so với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 21 tỷ đồng. Cuối năm 2013, doanh nghiệp vẫn còn xấp xỉ 570 triệu đồng lỗ sau thuế chưa phân phối.
2. MHC - tăng 190%
Đóng cửa phiên ngày 10/4, MHC chốt tại 11.600 đồng, tăng 190% so với cuối năm 2013. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của MHC kể từ phiên ngày 22/4/2010. Suốt cả năm qua, mã này hầu như chỉ giao dịch quanh mốc 2.000 đến dưới 5.000 đồng.
MHC do Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội niêm yết lên sàn TP HCM vào cuối tháng 12/2004, chính thức giao dịch sau đó gần 3 tháng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, mã này mở cửa với mức 19.000 đồng và đi ngang cho đến cuối giờ.
Công ty Hàng hải Hà Nội thành lập từ năm 1999 và chuyển sang mô hình doanh nghiệp đại chúng sau 6 năm. Mục tiêu dài hạn đơn vị này muốn tập trung kinh doanh vận tải biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2009-2010, Hàng hải Hà Nội liên tiếp gặp khó khăn và chịu lỗ lần lượt 32,6-43,6 tỷ đồng.
Sang năm 2013, doanh thu thuần công ty đạt 63,8 tỷ đồng nhưng sau khi trừ các loại chi phí cơ bản, đơn vị này lỗ thuần hơn 6,5 tỷ đồng. Dù vậy, tính chung cả năm, Hàng hải Hà Nội vẫn lãi sau thuế gần 19 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu lời từ các công ty liên doanh, liên kết và thanh lý, nhượng bán tài sản.
3. NAG - tăng 170%
Cổ phiếu NAG do Công ty cổ phần Nagakawa Việt Nam niêm yết vào tháng 9/2009 với giá chào sàn 28.000 đồng. Sau bốn năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên, giá mã này giảm còn 1.800 đồng. Cuối năm 2013, NAG vẫn nằm trong hàng ngũ những cổ phiếu giá “bèo” khi đóng cửa phiên ngày 31/12 tại mốc 2.700 đồng. Tới ngày 10/4/2014, thị giá NAG bật lên 7.300 đồng, tương đương mức tăng trên 170%.
Năm 2013, lợi nhuận sau thuế Nagakawa Việt Nam đạt 1,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước gánh lỗ trên 9,5 tỷ đồng. Dù vậy, phần lợi nhuận trên chủ yếu đến từ thu nhập khác như cho thuê kho, thu tiền phạt vi phạm. Còn tổng doanh thu công ty năm qua đạt 215 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cơ bản, Nagakawa lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1,6 tỷ đồng.
Nagakawa Việt Nam tiền thân là Công ty liên doanh Nagakawa Việt Nam, thành lập năm 2002. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất đồ điện dân dụng và điều hòa không khí. Hồi năm 2011, công ty từng phát hành 1 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, kỳ hạn hai năm với lãi suất năm đầu tiên 25%. Mục đích là để đầu tư khai thác khoáng sản tại mỏ sắt tỉnh Cao Bằng.
Tuy nhiên dự án này đã không thành công do thay đổi chính sách khiến công ty chịu lỗ năm 2011, 2012. Mới đây, cổ phiếu NAG cũng vừa bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2013 còn 20,6 tỷ đồng.
4. PPI - tăng 156%
Đóng cửa phiên ngày 10/3, PPI lên mặt bằng giá mới khi đạt 11.800 đồng, tăng 156% so với cuối năm 2013. Dù vậy, mức này vẫn còn cách xa giá đóng cửa phiên đầu tiên của PPI vào ngày 12/4/2010 với 38.400 đồng.
PPI là mã do Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương niêm yết. Năm qua, lợi nhuận sau thuế công ty vỏn vẹn gần 138 triệu đồng, chỉ bằng 10% của cùng kỳ 2012. Khoản lãi này khá nhỏ so với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 265 tỷ đồng của công ty. Tại ngày 31/12/2013, doanh nghiệp này còn 280 tỷ đồng vay ngắn hạn, trong đó chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Long An với gần 140 tỷ đồng.
5. KST - tăng 133%
Năm 2013, KST từng bị xem như “đóng băng” khi có những tháng cổ phiếu này không phát sinh giao dịch, thị giá đứng yên tại mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sang năm 2014, với 9 phiên kịch trần liên tiếp vào nửa cuối tháng 2, KST vừa thoát khỏi vùng giá dưới 5.000 đồng từng lình xình suốt năm ngoái.
Đóng cửa phiên ngày 10/4, mã này đạt 9.800 đồng, tăng 133% so với cuối năm 2013. Trong ngày giao dịch đầu tiên của KST vào ngày 29/12/2010, thị giá mã này từng lên tới 24.100 đồng.
Cổ phiếu KST do Công ty cổ phần Kasati niêm yết. Doanh nghiệp này tiền thân là Xí nghiệp Sửa chữa thiết bị thông tin 2, thành lập từ năm 1976. Ngành nghề kinh doanh chính của Kasati là sản xuất, lắp ráp các loại thiết bị viễn thông-tin học-điện tử, kinh doanh vật tư và dịch vụ viễn thông. Năm qua, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 4 tỷ đồng, giảm gần 9% so với 2012. Hiện doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 54,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2013 là 3,2 tỷ đồng.
6. HT1 - tăng 128%
Cổ phiếu HT1 do Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 niêm yết lên sàn TP HCM vào cuối tháng 10/2007. Cũng giống các mã trên, HT1 từng có giá chào sàn hơn 60.000 đồng nhưng đến cuối năm 2013 thì chỉ còn giao dịch quanh mốc 5.000 đồng. Khối lượng khớp lệnh chủ yếu đạt vài nghìn cho đến hơn 20.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Dù vậy, sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán đầu năm 2014 cũng tạo nhiều sức bật giúp HT1 có nhiều biến chuyển mới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, mã này tăng 128% giá, lên 11.400 đồng.
Xi măng Hà Tiên 1 tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1964. Hiện tại công ty có vốn điều lệ 3.180 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu Nhà nước là 67,38%. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế công ty chỉ bằng 27% của cùng kỳ năm trước, tương đương 2,5 tỷ đồng.
7. VE2 - tăng 127%
Đầu năm 2013, VE2 từng đạt mức 9.600 đồng nhưng “đóng băng” trong nhiều tháng khi không phát sinh giao dịch. Một vài phiên giảm sàn xuất hiện trong năm đã khiến thị giá mã này xuống dưới mức 5.000 đồng vào cuối năm 2013.
Dù vậy, với chuỗi kịch trần 8 phiên liên tiếp bắt đầu từ hôm 17/1, VE2 vừa được lên mặt bằng giá mới. Chốt phiên ngày 10/4, thị giá mã này đạt 10.000 đồng, tăng 127% so với thời điểm đầu năm.
VE2 được Công ty Xây dựng điện Vneco 2 niêm yết trên sàn Hà Nội từ ngày 26/7/2010, giá 42.300 đồng và đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên với mức tăng thêm 11.700 đồng. Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán, cũng giống các cổ phiếu khác, mã này dần tụt dốc và bắt đầu rơi vào trạng thái giá “bèo” kể từ phiên ngày 25/7/2011. Thời điểm sau đó, thị giá VE2 cũng tăng trở lại nhưng vẫn chưa vượt mốc 10.000 đồng.
Năm 2013, lãi Công ty Xây dựng điện Vneco 2 tăng đột biến, cao gấp 11,5 lần so với một năm trước, đạt 3,5 tỷ đồng. Tổng doanh thu cũng tăng 63%, lên 39 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng.
8. PXM - tăng 123%
Sau khi tăng 123% giá so với cuối năm 2013, PXM đạt 2.900 đồng và vẫn nằm trong nhóm cổ phiếu giá “bèo” trên sàn TP HCM. Đầu năm đến nay, PXM cũng liên tiếp gây sự chú ý trong giới đầu tư khi liên tục xuất hiện những chuỗi tăng giá kịch trần. Nổi bật nhất phải kể đến 16 phiên tăng liên tiếp từ hôm 13/3. Trước đó, PXM cũng có một số chuỗi kịch trần kéo dài 4-8 phiên liên tiếp đan xen những chuỗi giảm sàn.
Cổ phiếu PXM bắt đầu giao dịch tại sàn TP HCM vào ngày 21/6/2010 với giá 27.000 đồng. Sau đúng 3 năm, thị giá mã này xuống còn 1.700 đồng.
Kết quả kinh doanh bết bát là một trong những yếu tố khiến thị giá mã này tụt dốc những năm qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đơn vị niêm yết của PXM là Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Trung lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế doanh nghiệp đến ngày 31/12/2013 lên 261 tỷ đồng.
Số lỗ này đã khiến cổ phiếu công ty vào diện bị kiểm soát và nếu năm nay tiếp tục âm lợi nhuận, PXM sẽ phải rời sàn chứng khoán. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp dầu khí miền Trung vừa công bố mục tiêu hoạt động sản xuất 2014 với doanh thu 116 tỷ đồng trong khi lợi nhuận là 0 đồng.
9. PHH - tăng 115%
Sau khi tăng 4.600 đồng so với hồi đầu năm (tương đương 115%), PHH lên 8.600 đồng một cổ phiếu và thoát cảnh giá “bèo” vốn duy trì suốt cả năm 2013. Từng có thời điểm trong tháng 2 vừa qua, mã này vượt mốc giao dịch 10.000 đồng.
PHH là cổ phiếu do Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam niêm yết, ngày giao dịch đầu tiên là 17/3/2010 với mức giá 37.800 đồng. Một tháng kể từ phiên đầu tiên, thị giá PHH còn lên tới 64.000 đồng nhưng sau đó dần tụt dốc. Phiên ngày 14/11/2011 đánh dấu lần đầu tiên PHH lọt top những cổ phiếu giá bèo khi rớt xuống còn 4.800 đồng.
Chuyện kinh doanh của Công ty Hồng Hà cũng còn nhiều khó khăn khi lãi sau thuế năm 2013 chỉ vỏn vẹn gần 1,49 tỷ đồng trong khi quy mô tổng tài sản lên tới 798 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2013, đơn vị này vẫn còn xấp xỉ 15 tỷ đồng lỗ sau thuế chưa phân phối.
Công ty cổ phần Hồng Hà tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được chuyển sang mô hình cổ phần theo quyết định của Bộ Xây dựng vào năm 2004. Trước đó, doanh nghiệp này từng có tên Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hồng Hà, Công ty cổ phần Hồng Hà Dầu khí. Lĩnh vực kinh doanh chính là xây lắp, ngoài ra đơn vị này cũng buôn bán kim loại, máy móc-thiết bị, bất động sản...
10. VNG - tăng 114,5%
Chốt phiên ngày 10/4, VNG đạt 10.300 đồng một cổ phiếu, tăng 114,5% so với hồi đầu năm. Những chuỗi kịch trần liên tiếp kéo dài 3-7 phiên mỗi lần đã giúp cổ phiếu này xác lập các mặt bằng giá mới trong những tháng đầu năm.
Đơn vị niêm yết của VNG – Công ty cổ phần Du lịch Golf Việt Nam từng chào sàn mã này vào ngày 17/12/2009 với giá 20.000 đồng. Tuy nhiên, ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, VNG chạm sàn và chỉ khớp lệnh 590 cổ phiếu, đánh dấu chuỗi giảm giá hết biên độ 4 phiên liên tiếp sau đó.
Chuyện kinh doanh của Du lịch Golf Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn khi năm 2013 chỉ thu về 214 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương chưa đầy 20% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu công ty đạt xấp xỉ 140 tỷ đồng. Công ty Du lịch Golf Việt Nam tiền thân là những đơn vị hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch tại hai chi nhánh Đà Lạt và Cần Thơ, trực thuộc Công ty Xây dựng Phát triển Đô thị tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện công ty sở hữu và điều hành nhiều khách sạn đặt ở trung tâm các thành phố du lịch miền Nam và nước ngoài.

Đọc thêm