Sáng nay (2/4), Đảng bộ Khối DN trung ương tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước DNNN khối DN trung ương đến năm 2015 nhằm tìm ra những giải pháp để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các DNNN.
Theo báo cáo tình hình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối DN trung ương từ năm 2011 đến nay, tiến độ thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa, sắp xếp lại DN còn chậm, kết quả rất hạn chế. Trong tổng số 80 DN cần cổ phần hóa mới thực hiện xong 10 DN.
Trong khi đó, ngoài Bộ quản lý của DNNN còn có 4 Bộ là Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cùng “xắn tay” quản lý DNNN theo lĩnh vực phụ trách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế cho việc quản lý và hoạt động của các DNNN thời gian qua.
Vì thế, theo đại diện nhiều Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN, việc cần làm trước mắt để đảm bảo hiệu quả hoạt động của DNNN sau tái cơ cấu là nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, là đầu mối thống nhất quản lý các DNNN và vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc thực hiện thoái vốn nhà nước trong các DN cũng chưa đảm bảo. Theo Đề án có 642 DN cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước nhưng mới thực hiện thoái vốn xong 167 DN với tổng số tiền thoái thu trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến năm 2015, còn tiếp tục thoái vốn toàn bộ tại 472 DN.
Do đó, Đảng ủy khối DN trung ương còn đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cho phép các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng mua lại, chuyển nhượng số vốn đầu tư chéo giữa các đơn vị này theo giá trị sổ sách hoặc tự thoả thuận, chứ không phải đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán, nhằm rút ngắn thời gian thoái vốn.
Đối với một số khoản đầu tư ở nước ngoài, đề nghị được thoái vốn cho đơn vị chịu trách nhiệm chính của các dự án này hoặc đơn vị do Chính phủ chỉ định để đẩy mạnh, hoàn thành kế hoạch thoái vốn của DN trước ngày 31/12/2015.