EC ghi nhận nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Việt Nam

(PLVN) - Sau chuyến làm việc tháng 11 vừa qua, Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đánh giá khung pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ và coi đây là một điểm nhấn trong quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.
EC tiếp tục duy trì “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam đến tháng 6/2020
EC tiếp tục duy trì “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam đến tháng 6/2020

Hơn 80% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình 

Trao đổi với PLVN, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho biết, tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, bằng 100,6% so với ước thực hiện năm 2018. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,70 triệu tấn, bằng 98,1%; sản lượng nuôi trồng 4,50 triệu tấn, bằng 102,7%.

Cụ thể, sản lượng cá tra 1.420 nghìn tấn, bằng 100% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng tôm các loại 850 nghìn tấn, tăng 3,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 116,3% so với năm 2019.

Ông Luân cho biết: “Năm 2019, khó khăn nhất với thủy sản là ngành hàng cá tra và tôm đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu giảm, trong khi giá nhiên liệu tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến ngành Nông nghiệp nói chung và các mặt hàng thủy sản nói riêng, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Đặc biệt, việc EC vẫn duy trì “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là một thách thức lớn, vừa là nhiệm vụ quan trọng mà ngành cần phải vượt qua”.

Theo bà Trần Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), đoàn kiểm tra EC làm việc tại Việt Nam từ ngày 5/11 đến 14/11/2019 và đã kiểm tra tại Kiên Giang về chống khai thác bất hợp pháp - IUU. Đến ngày 19/12, EC đã có thông báo chính thức cho Việt Nam bằng một báo cáo cụ thể về kết quả kiểm tra.

Theo đó, EC kiểm tra 5 khuyến nghị gồm: Công tác kiểm soát đội tàu treo cờ Việt Nam và đội tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam; Việc khai thác tại vùng biển nước ngoài; Kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; Truy suất nguồn gốc thủy sản xuất khẩu sang châu Âu; Kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

EC đánh giá khung pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ và coi đây là một điểm nhấn trong quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của nước ta đối với tàu cá trên 20m đã hoàn thành 82%, bao gồm cả tàu không hoạt động và nằm bờ được EC đánh giá cao. 

Thông điệp mà đoàn kiểm tra EC đưa ra đối với Việt Nam là chừng nào vẫn còn 1 tàu cá Việt Nam vi phạm việc khai thác bất hợp pháp thì chừng đó chiếc “thẻ vàng” đối với thủy sản vẫn chưa thể gỡ bỏ.

“Kết quả kiểm tra tại các cảng cá của Kiên Giang và các khuyến nghị của EC tại địa phương này đạt được kết quả tốt. Chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản sẽ coi mô hình tại Kiên Giang làm mẫu”, bà Nhung thông tin.

Thêm 6 tháng để gỡ "thẻ vàng"

Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra của EC sẽ quay trở lại Việt Nam vào tháng 6/2020. Như vậy, còn khoảng 6 tháng để Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho những khuyến nghị của EC đưa ra nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành Thủy sản.

“Thái Lan đã mất 3 năm để hoàn thành công việc này nên Việt Nam cũng cần phải cố gắng rất nhiều mới có thể tháo gỡ được “thẻ vàng”, ông Luân nói.

Về khó khăn, vị này cho biết, việc tuần tra kiểm soát tàu cá vi phạm tại các địa phương là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay. “Lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa phương rất ít, duy trì được lực lượng này lại càng khó. Các quy định cần kiểm tra như khai thác đúng nguồn lợi hay không, đúng tiêu chuẩn hay quy định không là điều không dễ dàng”, ông Luân nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã gia hạn ngạch khai thác đối với hơn 31.500 tàu cá trên cả nước. Đến năm 2020, đơn vị này cũng trình dự thảo về quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó sẽ có những quy định cụ thể hơn nữa đối với việc khai thác thủy sản ở nước ta.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Thủy sản phối hợp với Bộ Công an, đó là xử lý dứt điểm các tụ điểm đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý nghiêm và đưa ra chế tài riêng đối với các tàu cá vi phạm IUU. Theo đó, đội tàu nào, khu vực nào có tàu cá vi phạm về khai thác IUU sẽ bị cấm khai thác và bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng.

“Việc EC tiếp tục duy trì “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam sẽ là khó  khăn với ngành trong năm 2020, chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói.

Phạt 1 tỷ đồng đối với tàu vi phạm 

“Tổng cục Thủy sản phối hợp với Bộ Công an, đó là xử lý dứt điểm các tụ điểm đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng, xử lý nghiêm và đưa ra chế tài riêng đối với các tàu cá vi phạm IUU. Theo đó, đội tàu nào, khu vực nào có tàu cá vi phạm về khai thác IUU sẽ bị cấm khai thác và bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng”.

Đọc thêm