“Em ơi, Hà Nội phố ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhạc sỹ Phú Quang qua đời sáng 8/12, để lại gia tài với hơn 600 ca khúc, phần lớn đều mang bóng dáng một Hà Nội rất đỗi riêng tư. Nói tới Hà Nội người ta nhớ tới tranh phố Phái và nhạc Phú Quang, dường như có một Hà Nội thấm đẫm từ những điều nhỏ bé. Ông từng nói: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”…

“Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ những điều nhỏ bé”

Nhạc sĩ Phú Quang là một trong những cây đại thụ âm nhạc Việt, sở hữu một sự nghiệp đồ sộ, có sự ảnh hưởng tới rất nhiều nghệ sĩ lớn và đi sâu và tiềm thức khán giả. Phú Quang mang phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may... làm nên một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, đẹp như mơ. Ông phần lớn không tự viết lời, chỉ phổ nhạc từ thơ. Nhưng sự rung cảm từ ông qua thơ ca để đưa vào nhạc, khiến người nghe đôi khi ngỡ nó chính là những con chữ do ông viết mới thấm thía, riêng tư và nao lòng đến thế.

Nhắc đến Phú Quang người ta chẳng thể nào quên những bản tình ca gắn với Hà Nội như: “Im lặng đêm Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Tình khúc 24”, “Hà Nội ngày trở về”, “Mơ về nơi xa lắm”…

Phú Quang kể, ông thích một cô bạn học dương cầm từ năm 17 tới 24 tuổi. Tuy nhiên, tình cảm cả hai dừng ở mức bạn bè. Sau này cô gái sang Pháp, họ vẫn giữ mối quan hệ đó. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang khi đó ngoài 30 tuổi, bắt gặp bài “Tình khúc 24” của nhà thơ Dương Tường. Nhớ lại chuyện xưa, trùng nhịp cảm xúc, ông liền phổ nhạc. Ông nói mình “viết chơi ôn lại kỷ niệm” về một câu chuyện đẹp thời đôi mươi. Hồng Nhung là ca sĩ đầu tiên thu âm nhạc phẩm.

Nhạc sỹ Phú Quang qua đời sáng 8/12, để lại gia tài với hơn 600 ca khúc.

Nhạc sỹ Phú Quang qua đời sáng 8/12, để lại gia tài với hơn 600 ca khúc.

Ông cũng từng nói, viết là để trả món nợ ra đi, dù chỉ giải thoát một phần, nên trong nhớ nhung có đôi phần tiếc nuối: “Ta mơ thấy em, ở nơi kia xa lắm/Một Hà Nội ngây ngất nắng/Một Hà Nội run run heo may/Dạ khúc đêm nay/Một mình ta/Một mình em” (Mơ về nơi xa lắm)… Hà Nội qua ca khúc của ông như một thực thể độc nhất mà bất kỳ ai yêu Hà Nội đều có thể cảm nhận được, nghe được, chạm vào, ôm lấy. Và ca khúc nổi tiếng nhất và đưa tên tuổi của Phú Quang phải là bài “Em ơi, Hà Nội phố”. Bài hát được Phú Quang phổ nhạc năm 1986, dựa lời thơ của Phan Vũ.

Phú Quang từng chia sẻ bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” được ông sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trước đó, nhà thơ Phan Vũ viết bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, rất gần Nhà máy điện Yên Phụ, mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom bão đạn năm 1972. Thơ viết xong, Phan Vũ cất trong ngăn tủ, thi thoảng mang ra chỉnh sửa, lúc thêm, lúc bớt. Thời điểm đó, bài thơ chỉ được ông đọc cho bạn bè thân thiết nghe chứ không được công chúng biết đến.

Một buổi chiều, Phan Vũ cùng nhạc sĩ Trần Tiến và Phú Quang gặp nhau tại sân khấu ở quận 3, TP HCM. Biết Phú Quang người Hà Nội, nhà thơ Phan Vũ mới khoe: “Anh đọc cho Quang nghe bài này nhé!”. Rồi Phan Vũ say sưa đọc bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố”.

Sau khi lắng nghe Phan Vũ đọc, nhạc sĩ Phú Quang rất xúc động. Ông nói: “Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Anh yên tâm, từ bài thơ này của anh, em sẽ có bài hát rất hay. Em tin nó sẽ nổi tiếng”.

Và chỉ hai ngày sau, tuyệt phẩm “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời. Phú Quang đã chọn ra 21 câu thơ trong số 443 câu thơ của Phan Vũ để tạo ra một bài hát để đời. “Đó là năm 1986, tôi vừa chơi piano vừa hát cho Phan Vũ nghe. Nghe xong, Phan Vũ bảo: “Quang ơi, nhạc của em làm cho thơ anh lấp lánh lên. Anh không ngờ em làm hay thế! Anh rất cảm ơn em”….

Ông có 25 năm sống ở TP HCM, phải xa Hà Nội ông lúc nào cũng khắc khoải, tràn nỗi nhớ... “Đôi lúc, con người ta không biết yêu những điều nhỏ bé. Không yêu những điều nhỏ bé, sao yêu những điều lớn lao được? Nếu tôi biết yêu những con đường có bờ tường cũ rêu phong, những con ngõ nhỏ, những chiếc lá rụng, những kỷ niệm, những giọt mưa… thì mới yêu được Tổ quốc, đất nước này. Người ta cứ thích nói những điều to lớn. Nhưng tình yêu bao giờ cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Và những mảnh ghép trong thơ Phan Vũ làm mỗi người thêm yêu Hà Nội”.

Năm 1987, bài hát được phổ biến trên sóng phát thanh qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu, trở thành ca khúc nổi tiếng đầu tiên của Phú Quang, đưa tên tuổi Phú Quang gắn với Hà Nội và được nhiều người biết đến. Chẳng phải ngẫu nhiên “Em ơi, Hà Nội phố” lại được yêu thích, trở thành ca khúc “biểu tượng” của Hà Nội qua bao thế hệ.

“Lời tôi hát cháy lên tia lửa mặt trời”

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Năm 5 tuổi, ông theo gia đình về Hà Nội để học tập. Tới năm 37 tuổi, ông vào Sài Gòn sinh sống và năm 2008 (59 tuổi) lại về Hà Nội sống tới lúc cuối đời. Khi vào Sài Gòn sinh sống, chàng thanh niên gốc Hà Nội muốn đi tìm điều mới lạ và có những chuyện buồn bã muốn giã từ, nhưng chỉ sau ba tháng, ông đã khao khát trở về. “Mà cuộc đời có số phận, 25 năm sau tôi mới quay lại”, Phú Quang từng kể: Nhưng một nửa đời người, tháng ngày ấu thơ đẹp đẽ tới tình yêu đầu tiên, những vui buồn đầu tiên đều ở nơi này khiến Phú Quang dù có lưu lạc bao nhiêu năm vẫn luôn mang Hà Nội trong lòng. Và đường phố đó, xe cộ đó, mùa đông đó, góc quán cà phê đó... sinh ra như vẫn để dành cho những bản nhạc của ông…

Niềm đam mê âm nhạc đến với nhạc sĩ Phú Quang ngay từ nhỏ và bộc lộ rõ thiên hướng theo nghiệp sáng tác, làm nhạc. “Năm 13, 14 tuổi mới đi học tới sơ cấp, nhưng tôi đã nghĩ ra những câu hát rồi hát vu vơ. Bạn bè nghe thấy mới hỏi câu này của ai, tôi bảo “của tao, tao sáng tác”.

Năm 21 tuổi, Phú Quang chủ trì Dàn nhạc mùa thu thuộc biên chế của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai cũng muốn được chơi cho dàn nhạc này vì một đêm dàn nhạc thu được bốn bài, nhạc công được trả 40 đồng, tương đương một tháng lương cho người vừa tốt nghiệp đại học. Ngoài dàn nhạc, Phú Quang còn nhận rất nhiều việc bên ngoài.

Từ năm 1967 tới 1978, Phú Quang công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam, đồng thời theo học tại Nhạc viện Hà Nội chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng ưu, Phú Quang về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986 ông chuyển về Phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh và năm 1994 thì chuyển về Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh. Nhờ được đào tạo bài bản và làm việc trong môi trường giao hưởng chuyên nghiệp nên nhạc sĩ Phú Quang sở hữu kiến thức vững chãi, chắc chắn về nhạc lý, đặc biệt ở mảng chỉ huy.

Vì thế, nhạc sĩ Phú Quang có thể tự sáng tác, hòa thanh, phối khí và chỉ huy, đạo diễn cả một đêm nhạc lớn, với đầy đủ mọi âm hưởng từ hùng tráng tới trữ tình, du dương. Một trong những chương trình đáng nhớ nhạc sĩ Phú Quang từng làm là ngay bên sông Thạch Hãn.

MC Lại Văn Sâm từng kể: “Có một kỉ niệm giữa nhạc sĩ Phú Quang và tôi. Năm 2007, chúng tôi có làm một chương trình nhân dịp 27/7. Chúng tôi có ý tưởng đặt một cây piano bên sông Thạch Hãn và nhạc sĩ Phú Quang ngồi đó đánh. Sông Thạch Hãn hôm đó không trong, nhưng từ bầu trời xanh, cùng dòng sông, cây đàn và hình ảnh người nhạc sĩ hát bài “Kỉ niệm của tôi - kỉ niệm của chính anh với đồng đội đã hi sinh của mình đã khiến tôi xúc động vô cùng. Khán giả Quảng Trị thì không nói làm gì, nhưng chính chúng tôi đã phải bật khóc. Chương trình đó làm trực tiếp nên tôi phải nén lòng lắm mới dẫn tiếp được”.

Những năm gần đây, sức khỏe của ông yếu hơn trước nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, vẫn tổ chức liveshow. Nhờ có khả năng chỉ huy, đạo diễn và tự làm cả một chương trình nên Phú Quang cũng là nhạc sĩ hiếm hoi luôn cháy vé khi tự làm show nhạc cho mình. MC Quyền Linh từng kể: “Tôi đã từng bỏ tiền mua một cặp vé tại Nhà hát Lớn Hà Nội để nghe hết một bài “Nỗi nhớ mùa đông” của anh Phú Quang. Hôm đó, tôi có gọi điện cho anh Phú Quang nhưng không được nên phải ra chợ đen mua 15 triệu cặp vé đó. Tôi hỏi bạn tôi “bạn thấy đắt không”. Anh bạn tôi nói: “Không, với Phú Quang thì không có giá nào mắc cả vì bất cứ ai được nhìn Phú Quang ngồi bên piano hát thì sẽ thấy cảm xúc vô cùng, tràn ngập tình yêu với Hà Nội”…

Ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang nằm viện. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải.

Gần 2 năm trước nhạc sĩ phải nhập và được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Việt Xô. Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng 8/12 đăng câu hát trong bài “Lời rêu” của ông để báo tin buồn: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại...”. Ở ca khúc “Tâm sự người ca sĩ” của Phú Quang có lời kết bằng câu: “Lời tôi hát cháy lên tia lửa mặt trời - niềm hạnh phúc chắt chiu suốt cuộc đời tôi”, như một lời chia tay. Ông đã sống nhu thế, một cuộc đời tận hiến vô cùng đẹp đẽ với âm nhạc, luôn còn đó, những tia lửa mặt trời…

Diva Mỹ Linh: Cuộc đời của chú thật đáng sống!

“Tôi nghĩ rằng, cả Hà Nội, người xa xứ, những người sống với âm nhạc của Phú Quang sẽ rất tiếc thương chú. Lúc mới vào nghề, tôi hát nhạc chú Quang rất nhiều.

Tôi cũng sống trong gia đình chú Quang một thời gian cùng với cô Nhung, vợ cũ của chú Quang. Trong mắt tôi, đó là một gia đình rất hạnh phúc. Tôi thực sự biết ơn khoảng thời gian được làm việc với nhạc sĩ Phú Quang và được ở gần gia đình chú.

Chú mất quá trẻ là niềm tiếc thương vô hạn với mọi người nhưng ở một phương diện khác, sự ra đi của chú cũng là một sự giải thoát, vì hai năm nay như thế với chú là quá khổ. Tôi tin là chú đã ra đi thanh thản.

Cuộc đời của chú là cuộc đời đáng sống, từng phút giây một rất hạnh phúc. Tôi tin là như thế”...

Đọc thêm