Em và Trịnh, thân phận và tình yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tôi đã xem Em và Trịnh hai lần trong cách biệt 2 ngày, và giữa hai lần xem đó có một ngày để tâm trí không bị va đập hay hối thúc bởi tính thể hiện mà bình phẩm một tác phẩm điện ảnh.
Em và Trịnh, thân phận và tình yêu

Trước khi nói về phim thì tôi nghĩ nên nhìn nhận Trịnh và nhạc Trịnh ở góc độ văn hóa, văn nghệ đại chúng, nó phổ biến đến độ gần như có một trường phái riêng đó là Trịnh.

Chừng mực nào đó nó lấn lướt luôn cả những tài danh nhạc sĩ khác như Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên hay Từ Công Phụng… ở dòng nhạc tình ca này, tất nhiên người nghe vẫn chọn riêng cho mình dòng nhạc và nghệ sĩ thích hợp.

Trịnh được yêu thích hơn ở chỗ là ca từ Trịnh như một lời giải cho những vướng mắc cắc cớ của những con người suy tư về tình yêu thân phận mà họ không diễn tả được.

Còn gì thi vị hơn khi một chiều nhẹ bên hiên vắng quán cafe, nghe “nhìn những thu đi” để “thấy tháng ngày chết trong thu vàng”.

Hay khi tỉnh giấc trong một cơn mưa, nghe nhà bên mở diễm xưa để ta đi vào giấc mơ hiện tại của “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa” và lòng thấp thỏm lo sợ là khi nhà bên tắt cơn mơ thực kia bất cứ lúc nào.

Người ta yêu Trịnh cũng vì những giải biện và thấu hiểu như vậy. Tuy nhiên khi quá phổ biến đến độ ai cũng có thể bàn về Trịnh được nên nó tự nhiên bình dân hóa, đại chúng hóa, số ít thì trầm ngâm chiêm nghiệm còn lại thì nhìn chung là phong trào.

Phim Em và Trịnh dựa vào những bức thư tình gửi qua lại giữa Trịnh và nàng thơ Dao Ánh Thật ra những lá thư đó là sướt mướt ủy mị, một nỗi buồn của tình yêu con người và thời cuộc, của ngôn từ, của cô đơn, của yêu và mộng.

Như đã nói bên trên khi tên tuổi và nhạc Trịnh được người nghe đón nhận thì mọi thứ sau đó là sẽ dễ hơn. Ủy mị hay đau khổ cũng được, yêu mà.

Phim nhìn chung vẽ ra một loạt các sự kiện liên quan đến hoàn cảnh ra đời các ca khúc nổi tiếng “Nhìn những mùa thu đi”, “Diễm xưa”, “Ướt mi”… Phim bày ra cho người xem trước một một bảng mô tả với sự kiện chồng sự kiện, cảm giác khá là lộn xộn.

Đoàn làm phim giao lưu với khán giả.

Đoàn làm phim giao lưu với khán giả.

Tôi sẽ không đi sâu vào phim với các chi tiết, điện ảnh, nghề vì nó không phải là cái để bình luận phim. Như một bản symphony luôn ở đoạn mở với duy nhất một chương allegro sonata rồi luẩn quẩn ở đó không kết, không cao trào, không thắt mở, chỉ một thoáng Dao Ánh và lá thư 20 năm không được mở.

Nhìn chung một câu chuyện kể lại ta nên nhìn nhận nó như những trang đời của Trịnh về tình yêu và thân phận thôi. Lối dẫn chuyện tôi nghĩ rằng chưa thuyết phục, cô Michiko dẫn chuyện với cách hỏi, Trịnh trả lời và hồi tưởng chuyện lồng trong chuyện.

Đây là điểm mà cá nhân tôi cho rằng rằng ê-kíp phim còn vội vàng với kịch bản. Dù ê-kíp với những tên tuổi nổi tiếng về biên kịch, sáng tạo, sản xuất. Nói về tình yêu thân phận thì những hào nhoáng kia không làm nên thành công cho bộ phim, hay chí ít thì cũng đọng lại cho người xem nhiều luyến tiếc.

Tôi nghĩ nên để chính Dao Ánh dẫn chuyện, với những bồi hồi kể lại thì hay hơn cô nghiên cứu sinh người Nhật kia.

Như Rose trong phim Titanic, rồi kỷ vật cũng trả lại cho biển khơi. Còn Dao Ánh có thể đốt thư đi, như chết để tình yêu bất diệt. Cho âm nhạc vang vọng thổn thức hiện hữu mãi để nhắc lại chuyện tình tuyệt đẹp kia.

Sức khỏe của một nền điện ảnh, nghệ thuật, không phụ thuộc vào những con người nổi tiếng, ồn ào, mà nó có mặt nơi đời sống thường nhật ngoài kia, của sống và yêu dung dị chân thành nhưng mãnh liệt, là những khoảng vắng của cô đơn võng vãnh muỗi bay của đêm sâu cùng cực… như Trịnh đã từng thế.

Diễn viên Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn lúc về già.

Diễn viên Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn lúc về già.

Một chi tiết nữa là căn chòi của Trịnh được tái hiện lại trên B'lao của cao nguyên Trung phần khi Trịnh dạy học ở đây vào những năm 1964. Nếu Trịnh không sống với nỗi cô đơn này thì khó mà ra được một Trịnh như sau này.

Trong nỗi cô đơn âm thầm đó với một tình yêu dịu ngọt về Dao Ánh nơi xa xôi, thì nó càng thăng hoa với những câu từ diễm lệ trong thư tình gửi một người.

Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” với những hình ảnh cuối tiểu thuyết khi Kiên rời trận mạc về với đời thường. Kiên đi qua vùng cao đó và bắt gặp một gia đình nhỏ trong căn nhà phong phanh gió núi có vợ có chồng, có tiếng con trẻ. Kiên chùng lòng và tự hỏi rốt cuộc điều gì mới là mục đích cuối cùng của đời mình. Phải chăng là một cuộc sống bình thường của một con người bình thường.

Như tác giả từng nói: “Điều vĩ đại hóa ra rất bình thường”. Einstein cuối đời cũng nói rằng nếu được chọn lựa một lần nữa thì ông chỉ muốn làm cậu bé bán bánh mì thôi.

Hay trong “Một tâm hồn đẹp” phim về giáo sư John Nash ông điên 30 năm và khi nhận giải Nobel toán học năm 1992 ông cũng chỉ nói rằng cuộc đời ông cuối cùng cũng là tình yêu ông thấy được ở vợ mình thôi.

Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Em và Trịnh.

Khán giả xếp hàng mua vé xem phim Em và Trịnh.

Điện ảnh, văn học, âm nhạc mọi thứ cũng là cái cớ, cái nền bày ra để đặt tình yêu lên đó. Mà trong một đêm giao thừa năm 1992 Trịnh đã viết: “Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi.

Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định”.

Nên nếu phim không hoàn hảo vài khung hình thì cũng không có gì đáng nói đáng bình cả.

Hãy xem và cảm nhận và hãy yêu nhau đi.

Sài Gòn 12/6/2022

Đọc thêm