Văn chương thú vị như ly cà phê buổi sớm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiền Trang không thích gọi mình là “nhà văn trẻ”, cô đã có những tâm sự rất cá tính về công việc viết lách thú vị và nhọc nhằn.
Văn chương thú vị như ly cà phê buổi sớm

Tôi mê thứ ngôn ngữ làm say đắm người đọc

- Với Hiền Trang, viết văn là một nghề hay là viết để lấy danh “tôi là nhà văn”?

- Nếu là những danh xưng như nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn, nghe còn hấp dẫn, chứ nhà văn thì mình không nghĩ thế. Mình nhớ Orhan Pamuk nói rằng nhà văn không hẳn là một nghệ sĩ, mà giống một thợ thủ công nhiều hơn. Mình đồng ý với ông. Với mình, văn chương không phải một nghề mà cũng không phải một cái danh. Nó là một cái thú, như bánh pizza, như một ly espresso buổi sáng.

- Thế hệ 9x của Hiền Trang có thể nói là một “thế hệ mới”, được tiếp thu với công nghệ, mạng xã hội. Một người đã đi qua giai đoạn đó có thấy mình bị chênh vênh hay may mắn?

- Mình nghĩ may mắn nhiều hơn. Mình là đứa con của “chủ nghĩa Internet”, chủ nghĩa hỗn tạp. Nếu không có Internet, làm sao mình có thể dễ dàng xem những bộ phim đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới mình, những bộ phim của Ozu, của Kurosawa, của Kiarostami, của Tarkovsky và nhiều hơn nữa. Có những tài liệu sách vở quý hiếm mà có thời mình nghĩ mình không bao giờ đọc được, vậy mà giờ đây lại nhan nhản trên mạng mỗi ngày.

- Bạn được coi là thế hệ văn trẻ, nhưng với một người viết tuổi 30 được coi là già, sâu sắc. Giống như những thế hệ nhà văn trước, họ rất thành công ở tuổi 30. Hiền Trang nghĩ mình thuộc lớp người viết già hay trẻ?

- Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm văn già - văn trẻ thôi. Ở nước ngoài, họ gọi người viết đơn giản là tác giả. Nếu gọi “tác giả trẻ” thì sẽ có bối cảnh khá rõ ràng, còn nhìn chung đều quy là tác giả chứ không phân loại “đẳng cấp” theo tuổi tác. Dù sao, mình cũng không quan tâm tới sự phân chia. Đó là việc của các nhà quan sát. Việc của mình chỉ là đọc và viết.

- Được biết, Hiền Trang là người viết luôn chú trọng đến ngôn ngữ và trau chuốt nó. Phải chăng bạn đang mê hoặc công chúng bằng ngôn ngữ đẹp, mời gọi vào thế giới văn chương của riêng bạn?

- Mình còn nhớ lần đầu tiên đọc những tác phẩm của Vladimir Nabokov. Làm sao có thể tồn tại một thứ văn chương đẹp tới thế, từng chữ từng chữ đều đẹp, văn đẹp như một áng cầu vồng lộng lẫy mà dù lúc đó ta đang làm gì ta cũng phải ngước đầu lên ngắm nghía trong ngây ngất. Có lẽ là một tham vọng quá tầm nhưng mình muốn viết để tái tạo lại cái cảm xúc ấy, cái cảm xúc khi lần đầu được đọc Nabokov.

Tôi khóc khi nghe The Beatles

-Hiền Trang là người mê âm nhạc, âm nhạc của thế kỷ 20, nhiều nghệ sĩ lớn đã xuất hiện trong tác phẩm của bạn. Điều gì khiến âm nhạc luôn “xâm chiếm” trong tác phẩm của bạn như vậy?

- Thực ra thì không chỉ là âm nhạc thế kỷ 20 mà cả trước đấy nữa. Ví dụ như tựa cuốn truyện mới nhất của mình là Chopin Biến Mất, trong đó nhắc nhiều tới những nhà soạn nhạc cổ điển thế kỷ 17, 18, 19. Nói như Andersen thì nơi đâu ngôn từ bất lực, âm nhạc cất lời. Mình có thể rơi nước mắt vì xúc động ngay khi nốt nhạc đầu tiên của một ca khúc của The Beatles, hay một bản Dạ khúc của Chopin vang lên, nhưng với văn chương, không phải lúc nào mình cũng cảm nhận được những khoảnh khắc siêu vượt như vậy. Âm nhạc có khả năng nói những điều quan trọng nhất mà văn chương không sao nói được. Hơn hết, mình học cách viết và cách tạo nhịp, tạo tiết tấu cho một tác phẩm, một chương, một đoạn, một câu, hoàn toàn từ chính từ các âm nhạc gia, cả cổ điển và đại chúng.

- Bạn cũng là người cất giấu tình yêu trong tác phẩm. Nghĩa là chuyện yêu đương ít thể hiện trong tác phẩm của mình hay thể hiện tình yêu ở cách nhìn khác, lạ hơn?

- Tác phẩm gần nhất hình như mới là lần đầu tiên mình nghiêm túc nói về tình yêu, dù không nhiều, chỉ thoáng qua. Có những giai đoạn mình không muốn viết về tình yêu, cảm thấy điều đó là quá riêng tư để viết. Phơi bày bản thân là một việc làm quá nguy hiểm với mình. Nhưng biết đâu đấy, thật ra câu chuyện mà mình đang ấp ủ là một câu chuyện có rất nhiều tình yêu.

- Là người viết, Hiền Trang có thường quan sát đời sống văn học hiện tại, nhất là người viết văn trẻ. Họ có thực là người viết văn chuyên nghiệp hay vẫn viết lách theo cảm hứng, nhu cầu?

- Thực lòng, mình đọc văn chương nước ngoài rất nhiều nhưng lại ít đọc văn chương trong nước nên đưa ra bình luận gì cũng là võ đoán. Mặc dù thế, mình cũng có một vài người bạn viết văn. Các bạn đều có một công việc khác để sống, nhưng đều là người tha thiết với văn chương, dù nhìn bề ngoài có thể không phải.

Tuy nhiên, chúng mình đều sống an nhiên và bình thản, không có chuyện gục xuống bàn mà viết. Và nếu một ngày tổ nghề không đãi nữa thì cũng được. Mình sống rất đơn thuần, cho nên văn chương tuy là một phần của mình, một phần khá đáng kể đấy, nhưng nó không phải là mình, mình là một thực thể phức tạp và bao hàm nhiều phương diện hơn nhiều. Nói đến đây, mình lại nghĩ ước mơ về già được như Trịnh Lữ, một con người minh triết, ôn tồn, biết đủ, sống tự nhiên và không vọng tưởng.

- Văn chương Việt tại sao vẫn thiếu những tác phẩm có tầm tư tưởng ảnh hưởng lớn ngoài biên giới? Vì chúng ta lười viết hay chúng ta chưa đủ tầm hay chúng ta ảo tưởng “tôi là nhà văn” hay vì điều khác, theo bạn?

- Mình không biết. Nhưng mình nghĩ tại sao chúng ta đặt quá nhiều câu hỏi làm gì. Tại sao cứ phải là tư tưởng, tại sao phải đặt quá nhiều trọng trách cho việc viết? Có rất nhiều cuốn tiểu thuyết châu Âu mà khi đọc xong, ta cảm thấy dường như nó chẳng giải quyết điều gì, người ta viết ra vì người ta thích viết thế thôi, nhưng đọc vẫn thấy thích là được.

Đó, lại một lần nữa mình thích âm nhạc hơn, bởi chẳng mấy người thắc mắc tại sao âm nhạc của chúng ta chưa có tác phẩm đồ sộ, tác phẩm kỳ vĩ hay tác phẩm lớn lao. Chẳng cần ai bảo, người ta tự hiểu rằng một bản nhạc rất nhỏ, rất đơn sơ cũng vẫn có thể khiến ta xúc động và thế là đủ lắm rồi.

- Xin cảm ơn Hiền Trang và chúc bạn tiếp tục thành công trong sự nghiệp văn chương!

Đôi nét về tác giả Hiền Trang

Hiền Trang sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2015. Bắt đầu viết từ năm 2015. Hiền Trang là tác giả của tập truyện ngắn Giấc Mộng Lang Thang Trên Đồng Cỏ Úa, tập truyện ngắn Dưới Mái Hiên Đêm Những Khách Lạ, tập tuỳ bút Tuổi Trẻ Lạc Lối và Những Cuốn Sách Của Tôi. Cuốn sách mới nhất của cô là truyện dài Chopin Biến Mất ra mắt tháng 3/2022. Bên cạnh công việc sáng tác, cô cũng là dịch giả và cây bút quen thuộc về mảng âm nhạc – văn chương – phim ảnh cho nhiều tờ báo và tạp chí.

Các sáng tác và bài viết của cô thường là sự hòa quyện của nghệ thuật cổ điển và văn hoá đại chúng, của trí tưởng tượng và ký ức. Hiền Trang không giới hạn những đề tài của mình, cô viết về những gì mà cô yêu, điều đó có nghĩa là cô viết về cả Leonard Cohen và Taylor Swift, cả Orhan Pamuk và J.K. Rowling, cả Yasujiro Ozu và Alfred Hitchcock.

Phong cách viết của cô chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kafka, Nabokov và Chopin. Cô tin rằng mỗi người viết có hai việc quan trọng nhất, đó là đọc và viết. Một tác phẩm lý tưởng, với cô, có diện mạo của Nàng Mashenka (tác phẩm đầu tay của Nabokov), hay nói cách khác, một tác phẩm mà trong đó, mỗi ngôn từ vừa thăng hoa, lại vừa được chắt lọc đến mức không thể thay từ ngữ này bằng bất cứ từ ngữ nào khác.