Ngày mai (25/6), TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ mở lại phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra vào đầu năm 2013 tại khu vực đập Vực Trống, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, tại phiên xử ngày 14/11/2013, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tạm dừng xét xử và sau đó đã yêu cầu cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành điều tra bổ sung, thu thập lời khai của một số nhân chứng và bị hại trong vụ án.
Một điều tra viên phải làm việc với cơ quan điều tra
Chiều tối 8/1/2013, tại khu vực đập Vực Trống xảy ra một vụ xô xát, đánh nhau giữa hai nhóm người mà một bên là Nguyễn Văn Hưng cùng anh rể Nguyễn Sĩ Lam (SN 1973) và cháu Nguyễn Sỹ Sơn; bên kia là nhóm người có mâu thuẫn với gia đình anh Lam trong việc khai thác quặng, trong đó có Nguyễn Viết Lợi (SN 1976); Nguyễn Viết Quang (SN 1965 - anh trai Lợi); Nguyễn Viết Hoàn (SN 1979 - em trai Lợi); Nguyễn Viết Nam (SN 1986, con trai Quang); Nguyễn Viết Thành (SN 1976 - cháu Lợi); Nguyễn Văn Thịnh (SN 1986)…
Vụ “hỗn chiến” đã làm anh Nguyễn Sĩ Lam tử vong do đa chấn thương, trong đó có vết thương chính ở vùng ngực làm gãy 3 xương sườn trái, vỡ mỏm tim. Ngoài ra, tại vùng lưng nạn nhân còn có vết bắn, xuyên vào khoang bụng.
Đã có tổng cộng 7 người bị khởi tố, truy tố trong vụ án này về 2 nhóm tội danh “Giết người” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Bất thường ở chỗ, trong số 7 bị cáo trên thì chính bên phía nạn nhân lại có Nguyễn Văn Hưng bị cho là đã dùng súng thể thao giơ lên để chống trả đối phương, làm đạn nổ trúng vào “quân mình”, gây ra vết đạn găm vào người nạn nhân Lam. Hưng bị VKSND tỉnh Hà Tĩnh truy tố về tội “Giết người” với quan điểm: “Hưng nhận thức việc dùng súng thể thao để đánh nhau là nguy hiểm nhưng vẫn sử dụng…”.
Trong khi đó tại phiên tòa, bị cáo Hưng luôn chối tội và cho biết khẩu súng này được bị cáo lấy trong lán của anh Mai Đức Hoành trước đó. Khi ra hiện trường, bị cáo vẫn khoác súng ở sau lưng, không sử dụng súng để đánh nhau và cũng không thấy súng nổ. Ngoài ra, bị cáo Hưng còn tố nội dung khai nhận việc “cầm súng khua khua và nghe thấy tiếng tạch” là do Điều tra viên (ĐTV) Đậu Duy Hưng hướng dẫn.
Cùng với đó, anh Nguyễn Văn Hùng (anh trai Hưng) đã cung cấp 1 đĩa CD ghi âm cuộc đối thoại giữa anh và ĐTV Đậu Duy Hưng, trong đó có đề cập nội dung hướng dẫn Hưng khai tại CQĐT và ĐTV Hưng còn nói: “Nếu mà không như anh nói, thằng Hưng không bao giờ nằm ở Khoản 2”.
Chính việc cung cấp đĩa ghi âm này và lời khai của một số nhân chứng khác đã khiến Tòa phải có công văn yêu cầu CQĐT xác minh, làm rõ. Và ngày 21/2 vừa qua, CQĐT đã chuyển những tài liệu điều tra bổ sung này cho TAND tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có biên bản làm việc giữa CQĐT với anh Hùng và ĐTV Đậu Duy Hưng.
Bình luận về việc điều tra bổ sung này, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch số 01/ 2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC không có quy định về việc “điều tra bổ sung” như trên. Tức là chỉ có quy định về việc thẩm phán (hoặc HĐXX) trả hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) để điều tra bổ sung chứ không có việc Tòa “giữ lại hồ sơ” và yêu cầu “thẳng” tới CQĐT để điều tra bổ sung được.
Ngoài ra, nếu có việc điều tra bổ sung thì cũng cần có sự giám sát của VKS chứ không thể có hoạt động điều tra mà “qua mặt” VKS như vậy. Ngoài ra, Luật sư Sơn còn băn khoăn, không biết những “tài liệu điều tra bổ sung” này có được coi là chứng cứ trước Tòa không vì chúng không được đánh số bút lục và chưa qua đánh giá của cơ quan công tố?
Có đúng là “em vô tình nổ súng làm anh rể dính đạn”?
Hiện nay, Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không kết luận được viên đạn trong người nạn nhân có phải bắn ra từ nòng súng đã thu giữ được dưới lòng sông (được cho là Hưng vứt xuống) hay không. Trong khi đó, phía đối thủ của anh Lam cũng mang ít nhất một khẩu súng ra hiện trường. Nhưng khẩu súng này đã không được thu thập kịp thời và sau này nó được cho là “súng hơi”.
Trong khi bản Kết luận điều tra mô tả, anh Lam bị Lợi đánh vào ngực nằm bất động rồi mới bị trúng đạn (tức là nạn nhân trúng đạn khi đang nằm ngửa) thì cơ quan công tố lại cho rằng anh Lam bị trúng đạn, ngã xuống rồi bị Lợi dùng gậy tre đập vào ngực (tức là nạn nhân trúng đạn khi đang đứng).
Một chi tiết mâu thuẫn khác là việc CQĐT kết luận Hưng bị một số người dùng dao, gậy tấn công nên giơ súng lên “chống trả”, làm nổ viên đạn trúng vào người anh Lam (đang nằm) - tức là Hưng vô tình nổ súng. Trong khi đó, cơ quan công tố lại cho rằng Hưng cầm súng hướng về phía Nam và nổ súng làm đạn trúng vào người anh Lam khi anh Lam đang đứng trên dốc (tức là Hưng nổ súng một cách chủ động).
Theo Luật sư Sơn, những vấn đề trên mới là vấn đề quan trọng, đáng được điều tra bổ sung để làm rõ, nhất là phải thực nghiệm điều tra để xác định vị trí, tư thế của nạn nhân và khẩu súng xem viên đạn có thể xuyên qua lưng và ổ bụng nạn nhân được hay không. Ngoài ra, cũng phải làm rõ lời khai của một số nhân chứng cho biết nhóm đập phá xe và đánh chết anh Lam có đến hơn 10 người chứ không phải chỉ 6 người đã bị khởi tố.