Tuyên bố này được ông Desalegn đưa ra trong báo cáo 6 tháng trình Quốc hội Ethiopia mới đây. Các cuộc điều tra sẽ tính đến "tình hình thực tế", cũng như ý kiến của người dân. "Thông qua các nghiên cứu và khảo sát, rõ ràng là nhiều người sẽ ủng hộ việc gia hạn tình trạng khẩn cấp ít nhất thêm một chu kỳ nữa. Hơn 82% người tham gia trong cuộc khảo sát này đã ủng hộ việc gia hạn một phần hoặc toàn bộ tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu tình hình thực tế và đệ trình báo cáo để Quốc hội xem xét có kéo dài tình trạng khẩn cấp hay không", ông Desalegn nói.
Bất ổn nghiêm trọng
Phát biểu trên của Thủ tướng Ethiopia cho thấy quốc gia lớn nhất Đông Phi này đang thảo luận về tình trạng khẩn cấp. Trong một động thái bất ngờ khác, ông Siraj Fegessa, Bộ trưởng Quốc phòng, kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Ethiopia đã công bố một chỉ thị mới, theo đó vẫn duy trì một số hạn chế đối với tự do dân sự trong trường hợp khẩn cấp nếu tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.
Theo chỉ thị mới được đưa ra, lệnh áp đặt gần các khu công nghiệp và các dự án lớn không còn hiệu lực nữa. Tình trạng bất ổn dẫn đến việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã gây tổn hại cho các nhà máy và trang trại, cũng như các cơ sở hạ tầng, máy móc công và tư nhân.
Sau khi tình trạng khẩn cấp được đưa ra, lệnh giới nghiêm kéo dài từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau được ban hành trong các thành phố lớn, khu công nghiệp và các cơ sở hạ tầng ở một số khu vực trọng yếu của nước này. Một quy định khác được đưa ra là chỉ thị sửa đổi quyền hạn của các lực lượng an ninh, theo đó lực lượng này không có quyền bắt giam người mà không có lệnh của tòa án. Ngoài ra, lực lượng an ninh cũng không được đột nhập, khám xét và thu giữ tài sản mà không có lệnh của tòa án.
Ông Siraj Fegessa giải thích: "Hiện nay tình hình an ninh đã khá lên và có thể được kiểm soát thông qua các biện pháp pháp lý và an ninh thông thường". Ngoài các hạn chế đã được dỡ bỏ, các điều kiện còn lại của tình trạng khẩn cấp hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, các quan chức Ethiopia đã không đưa ra tuyên bố rõ ràng về tình trạng khẩn cấp sẽ được dỡ bỏ hoặc kéo dài thêm 6 tháng như đã dự kiến nhằm hạn chế các cuộc biểu tình và bạo lực.
Bộ trưởng Quốc phòng Ethiopia cho biết các cuộc điều tra do chính phủ thực hiện cho thấy "đa số người dân" được hỏi đều ủng hộ việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một thời gian nữa. Quân đội, kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đã chịu trách nhiệm quản lý, duy trì tình hình an ninh của đất nước. Trong những tháng trước, các đại diện chính phủ cho rằng tình trạng khẩn cấp đã đạt được các mục tiêu đề ra. Ông Negeri Lencho, Bộ trưởng Truyền thông Ethiopia, trong một cuộc họp báo tổ chức mới đây, đã nói rằng tình trạng khẩn cấp đã đạt được mục tiêu kể từ khi được công bố, nhất là duy trì tình hình an ninh, trật tự và bảo vệ dân thường.
Bạo lực gia tăng
Trước đó, các cuộc biểu tình, bạo lực đã xảy ở các thành phố Oromia, Amhara và các bang ở khu vực phía Nam vào tháng 10/2016, buộc Chính quyền Thủ tướng Hailemariam Desalegn phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 6 tháng. Đây là biện pháp đầu tiên kể từ khi Đảng Mặt trận Dân chủ Nhân dân Cách mạng của Ethiopia (EPRDF) lên nắm quyền vào năm 1991.
Hội đồng Bộ trưởng đã đề cập đến một điều khoản hiếm hoi trong Hiến pháp nước này, là Điều 93, để đối phó với tình trạng bất ổn dân sự ngày càng tăng trên khắp quốc gia Đông Phi này, đặc biệt là ở thành phố Oromia. Tình trạng khẩn cấp, được tuyên bố vào ngày 9/10/2016, sau một thời gian dài xảy ra các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ đã gây ra tình trạng bất ổn và bạo lực gia tăng ở các khu vực rộng lớn của đất nước. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, lệnh cấm các nhà ngoại giao di chuyển khỏi thủ đô ngoài phạm vi bán kính 40 km mà không có giấy phép đã được dỡ bỏ.
Trong khi đó, các biện pháp an ninh khác vẫn được giữ nguyên, như cấm tham gia các nhóm đối lập bị chính phủ liệt vào danh sách các phong trào khủng bố; cấm việc chuẩn bị, phân phối và trưng bày những vật dụng có thể kích động sự hỗn loạn. Đến nay, sau 6 tháng ban bố tình trạng khẩn cấp, hơn 11.000 người đã bị bắt và khoảng 10.000 người đã bị giam giữ. Những người bị bắt giữ liên quan đến tình trạng bất ổn và bạo lực đã được đưa ra tòa án hoặc đưa vào trại tập trung để giáo dục, cải tạo.
Quốc hội Ethiopia ngày 30/3 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 4 tháng vốn được ban bố lần đầu tiên hồi tháng 10/2016 nhằm dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài gần 1 năm ở nước này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Siraj Fegessa, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm duy trì sự yên bình và đảm bảo an ninh ở quốc gia Đông Phi này…