Các biện pháp này đã được bổ sung vào thứ Sáu sau khi được các nhà lãnh đạo EU nêu ra trong các cuộc thảo luận qua đêm về gói trừng phạt mới mà các ngoại trưởng EU từ khối 27 quốc gia sẽ xác nhận.
Đức và Italy đã do dự trong việc áp dụng biện pháp này, nhưng hầu hết các nước EU đều ủng hộ nó, hai quan chức giấu tên cho biết.
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, "Chúng tôi đưa [vào danh sách xử phạt] không chỉ đơn thuần là các nhà tài phiệt và các nhà lập pháp đã chuẩn bị các bước này, sẽ bao gồm Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov".
Việc đóng băng tài sản liên quan đến ông Putin và ông Lavrov lần đầu tiên được Financial Times đưa tin dựa trên ba nguồn tin cho biết, Tổng thống Nga và Ngoại trưởng của ông sẽ không phải chịu lệnh cấm đi lại của EU để giữ cho các kênh ngoại giao được mở.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Sáu cho biết gói trừng phạt mới của EU nhằm vào "các quan chức cấp cao nhất" ở Nga. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ tăng thêm vì "Điều này (gói lệnh trừng phạt mới nhất) là không đủ. Phải nhắm mục tiêu sâu hơn vào các nhà tài phiệt Nga".
Trong Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm thứ Năm của các nhà lãnh đạo ở Brussels được triệu tập sau khi Tổng thống Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Donbass, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý với một loạt các biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào Nga tại cuộc họp này bao gồm: lĩnh vực tài chính, các lĩnh vực năng lượng và vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào 70% thị trường ngân hàng Nga và các công ty nhà nước chủ chốt, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng.
Theo bà von der Leyen, lệnh cấm xuất khẩu sẽ "ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu mỏ khi khiến Nga không thể nâng cấp các nhà máy lọc dầu của mình". EU cũng cấm bán máy bay và thiết bị cho các hãng hàng không Nga, bà nói thêm.
Các hạn chế về thị thực sẽ khiến các nhà ngoại giao và doanh nhân không còn được đặc quyền tiếp cận Liên minh châu Âu.
EU đã thông qua vòng trừng phạt đầu tiên sau khi Nga công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine hôm thứ Ba. Các lệnh trừng phạt đó, có hiệu lực từ hôm 23/2, chủ yếu nhắm vào các ngân hàng và nhà lập pháp Nga.