EVN Hà Nội: Tiền điện tháng 10 sẽ giảm

(PLO) - Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, nếu nền nhiệt độ duy trì như hiện nay dự báo cuối tháng 9 và đầu tháng 10 sản lượng điện tiêu thụ sẽ giảm dần, do đó hoá đơn tiền điện tháng 10 sẽ dễ chịu hơn.
Thợ điện Hà Nội túc trực cùng người dân trong mưa
Thợ điện Hà Nội túc trực cùng người dân trong mưa
Nguyên nhân hoá đơn tháng 9 “nhảy cóc”
Hệ thống đo đếm tự động của EVN Hà Nội đã thống kê mức độ sử dụng điện của khách hàng theo ngày, cho thấy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao đột biến trong 3 tháng qua.
Cụ thể, sản lượng điện sinh hoạt trung bình tháng 7 theo lịch ghi chỉ số công-tơ (19/6-18/7) là 30,515,591kWh; tháng 8 (19/7-18/8) là 27,433,909kWh và tháng 9 (19/8-16/9) là 28,259,769kWh.
Theo số liệu thống kê trên, mặc dù sản lượng điện sinh hoạt của các hộ gia đình nói riêng tháng 8, tháng 9/2015 đã  giảm so với tháng 7/2015 nhưng mức độ sử dụng vẫn còn ở mức cao so với quy luật hàng năm.
“Bất thường hơn so với quy luật hàng năm là lượng điện tiêu thụ tháng 9/2015 còn cao hơn mức bình quân của tháng 8” – lãnh đạo EVN Hà Nội phân tích. 
Theo “nhà đèn” Thủ đô, kỳ ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện của các khách hàng sinh hoạt được thực hiện từ ngày 5 đến 18 hàng tháng, do đó kỳ hóa đơn tháng 9 đã nằm trọn trong cao điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9 (nền nhiệt dao động từ 20-37 độ C). Do vậy, Tổng Công ty cũng đã dự báo là các khách hàng sinh hoạt sẽ có hóa đơn tiền điện ở mức cao hơn tháng 8 và gần tương đương với tháng 7 là tháng nóng nhất từ đầu năm đến nay. 
Bên cạnh đó, theo Điện lực Hà Nội, mật độ dân cư đông đúc, sông hồ và tỉ lệ cây xanh thấp, tỷ lệ bê tông hoá và sử dụng kính ngăn ở Thủ đô cao cũng dẫn đến độ hấp thụ nhiệt cao, làm không khí đến tận đêm vẫn duy trì ở mức trên dưới 30oC. Điều này dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 9/2015 vẫn duy trì ở mức cao vì nhu cầu sử dụng điện của khách hàng chưa thay đổi do nhiệt độ tháng 8, tháng 9/2015 chưa giảm hẳn, ngược với quy luật thời tiết theo mùa của miền Bắc.
“Nếu nền nhiệt độ duy trì như hiện nay dự báo cuối tháng 9 và đầu tháng 10 sản lượng điện tiêu thụ theo hướng giảm dần” – vị đại diện EVN Hà Nội dự báo. 
Yếu tố công - tơ
Trên thực tế, cầm tờ hoá đơn tiền điện tăng đột biến, nhiều khách hàng cũng không khỏi bức xúc. Đối với một số trường hợp có khiếu nại, EVN đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra làm rõ. Như trường hợp khách hàng Lê Quốc Trung (số 38, tập thể Tổng cục Địa chính, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng). Ngay sau khi nhận được thông tin, hôm 16/9 đại diện Điện lực Hai Bà Trưng đã đến làm việc với khách hàng. 
Cụ thể phiên ghi chỉ số khách hàng vào ngày mùng 10 hàng tháng: sản lượng tiêu thụ tháng 8/2015 là 605kWh, sản lượng tiêu thụ tháng 9/2015 là 856kWh. Tại buổi làm việc, đại diện Điện lực Hai Bà Trưng đã gửi khách hàng ảnh chụp tại thời điểm ghi chỉ số điện tháng 9/2015 cho thấy công ty ghi chỉ số công tơ hoàn toàn chính xác. Khách hàng đồng ý với nội dung trên và không còn ý kiến, thắc mắc khác.
Tuy nhiên, một số trường hợp khác, dù phía EVN Hà Nội in ảnh chụp lưu lại thời điểm ghi chỉ số công-tơ, cho thấy phía “nhà đèn” không tính sai tiền điện nhưng khách hàng lại yêu cầu kiểm định hoặc thay mới công-tơ. Đó là các trường hợp của khách hàng Đào Phương Thuý ở Phương Mai,  Đống Đa; Nguyễn Thị Hà ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm; Đặng Thị Phương Dung (CT2, Hà Đông)... 
Hiện chưa biết kết quả kiểm định sẽ cho thấy thế nào nên đối với những trường hợp này, nguyên nhân hoá đơn “nhảy cóc” cũng chưa thể kết luận tại ông trời hay “ông công – tơ”. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác, mà cũng có thể là nguyên nhân chính gây bức xúc đối với khách hàng, đó là biểu giá điện sinh hoạt luỹ tiến 6 bậc thang hiện hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 
Biểu giá mới sẽ trôi chảy
Về biểu giá này, như PLVN đã có bài đề cập, Bộ Công Thương và EVN đã có đề án cải tiến dù mới chỉ đưa vào áp dụng được non 6 tháng. Theo đó, vẫn duy trì cách tính tiền điện luỹ tiến bậc thang nhằm khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, song nhiều khả năng sẽ rút xuống còn 3 đến 4 bậc. 
Các chuyên gia đang đề nghị, một mặt sẽ kéo dãn khoảng cách số điện giữa các bậc ra so với hiện nay, một mặt lại thu hẹp mức chênh lệch giá, tránh việc tiền điện tăng “giật cục” khi chuyển từ bậc dưới lên bậc trên.
Trả lời PLVN tại hội thảo về đề án này hôm 22/9, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, khoảng cuối tháng 10 đề án mới sẽ được trình lên Chính phủ.  Như vậy, nếu được thông qua và áp dụng ngay thì biểu giá mới khả năng sẽ được người dân đón nhận một cách trôi chảy vì ngoài những cải tiến tích cực, còn nhận được sự hậu thuẫn từ thời tiết đầu đông, khi nền nhiệt giảm sâu và sản lượng tiêu thụ điện cũng giảm theo, hoá đơn do đó không còn gây bức xúc./.

Đọc thêm