[links()]Trong bối cảnh kinh tế chồng chất khó khăn, hàng ngàn công nhân đang "rầu ruột" vì bị cắt thưởng tết, tin tăng giá điện khiến đa số doanh nghiệp và người tiêu dùng ngỡ như bị... “điện giật”.
|
Biếm họa Internet |
Giá điện: tăng và tăng
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) này, từ hôm nay – 22/12, giá điện sẽ tăng thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng mỗi kWh hiện nay lên 1.437 đồng.
Như vậy, trong năm 2012, giá điện đã tăng hai lần, lần đầu kể từ tối 29/6/2012. Cho dù cả Bộ Công Thương và EVN đều khẳng định việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt, nhưng trên thực tế, không thể phủ nhận giá điện tăng đã tác động dây chuyền, khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng theo.
Chính tập đoàn này cũng thừa nhận, ngoại trừ các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh) thì các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 4.200 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đồng/tháng, sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 14.050 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.950 đồng/tháng....
Không như lần trước, lần tăng giá này các “thượng đế” được thông báo trước hẳn... 01 ngày. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66-115 đồng/kWh tùy mỗi bậc, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng/kWh. Đối với các hộ thu nhập thông thường, giá điện tăng 66 đồng mỗi kWh, từ 1.284 đồng lên 1.350 đồng áp dụng cho 100kWh đầu tiên. Từ số 101-150kW sẽ tăng 88 đồng từ 1.457 đồng lên 1.545 đồng/kWh. Còn tiêu thụ từ 151-200kWh sẽ tăng 104 đồng (1.834 đồng lên 1.947 đồng/kWh), từ 200-400kWh sẽ tăng khoảng 115 đồng/kWh.
Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754-2.177 đồng mỗi kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783-2.263 đồng/kWh.
"Điệp khúc"... lỗ
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo EVN nói rằng, theo Quyết định 24 thì giá điện 3 tháng được điều chỉnh một lần nên "tăng tại thời điểm này còn là chậm so với yêu cầu". "Năm nay EVN có lãi nhưng chưa bù được giá than, và khoản chênh lệch tỷ giá vẫn còn treo", ông cho hay.
Tuy nhiên, trong nhiều lần trả lời giới truyền thông, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đều thẳng thắn, EVN nên nghiên cứu trong giá thành điện, những loại chi phí nào có thể giảm được thì nên tìm cách giảm. Người từng đứng đầu EVN cho rằng, chỉ cần giảm 1% tổn thất đã có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ.
Ông Ngãi nhấn mạnh, kể cả giảm biên chế để có thể hạ được giá thành thì cũng nên mạnh dạn làm. Rốt ráo đối với tất cả mọi khâu, như vậy con số thua lỗ của EVN mới mong giảm bớt. Vị này cũng cho rằng, thay vì công bố giá thành hàng năm như hiện nay, EVN nên tiến tới cơ chế công bố hàng quý, nói rõ cho công chúng 1 kWh giá thành là bao nhiêu, giá bán là bao nhiêu. Qua sự minh bạch đó, người dân sẽ hiểu rõ mức độ lỗ lãi và có cái nhìn đồng thuận nếu phải tăng giá điện.
Ngay trước ngày tăng giá điện lần này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã “chuẩn bị dư luận”: Trong năm 2012, EVN dự kiến lãi khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền này mới chỉ đủ bù đắp lỗ trong 2010. Còn khoản lỗ 8.000 tỷ trong 2011, dự kiến được bù bằng lãi năm sau. Ngoài ra, Tập đoàn còn khoản lỗ tỷ giá gần 26.700 tỷ đồng đang “treo lơ lửng” chưa xử lý được.
Biết thì biết vậy, nhưng dư luận cho đến nay cũng khó mà hài lòng cho được khi trong bối cảnh lỗ “khủng” như vậy, lãnh đạo tập đoàn này vẫn "hồn nhiên" cho rằng khoản lương lương bình quân 7,3 triệu của nhân viên điện lực – mức cao gấp mấy lần bình quân chung cả nước – vẫn là “chưa đủ sống”. Đó mới là lương công nhân, chứ theo như kiểm toán công bố, lương bình quân của khối văn phòng công ty mẹ còn cao gấp mấy lần.
Mai Hoa