Công ty Điện lực phát hiện vi phạm của khách hàng là người sử dụng điện, nhưng do không thống nhất được việc bồi thường, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã quyết định khởi kiện khách hàng của mình để đòi bồi thường 100 triệu đồng. Theo các chuyên gia pháp lý thì đây được coi là động thái tích cực trong việc bình đẳng hóa mối quan hệ giữ khách hàng và nhà phân phối độc quyền.
|
Ảnh minh họa |
Bất đồng quan điểm
Theo đơn khởi kiện của phía điện lực, ông Trần Văn Sang (Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình) đăng ký mua điện với công ty Điện lực Tân Bình qua Hợp đồng mua bán điện số 06/036867 ngày 12/3/2007 với mục đích sử dụng điện sinh hoạt qua điện kế phiên lộ trình 17P885400.
Ngày 20/10/2011, Công ty Điện lực Tân Bình cử đoàn kiểm tra việc sử dụng điện tại hộ khách hàng này. Cán bộ kiểm tra của công ty đã phát hiện khách hàng đang dùng máy tạo dòng kết hợp với nguội ngoài làm điện kế chạy không chính xác. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, biên bản xử phạt theo đúng trình tự thủ tục kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Sau đó, Công ty Điện lực Tân Bình đã tiến hành làm việc với ông Sang để thương lượng việc bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng mua bán điện. Song khách hàng này không thừa nhận vi phạm, không ký tên vào biên bản làm việc và làm đơn khiếu nại.
Để xác minh rõ vụ việc theo nội dung đơn khiếu nại , Công ty điện lực Tân Bình đã phối hợp làm việc với UBND, Công an phường 14, quận Tân Bình và có phúc đáp cụ thể cho ông Trần Văn Sang. Tuy nhiên, ông Sang không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2 đến TCty điện lực TP.HCM để phản ánh Công ty điện lực Tân Bình đã xử lý vụ việc không thỏa đáng. Qua xác minh thực tế của Ban thanh tra TCty điện lực TP.HCM thì khiếu nại của ông Trần Văn Sang là không đúng sự thật.
Công ty và khách hàng của mình không thống nhất được hành vi vi phạm và mức độ xử lý nên TCty Điện TP.HCM đã quyết định gửi đơn kiện ông Trần Văn Sang lên TAND quận Tân Bình. Công ty này yêu cầu khách hàng của mình phải bồi thường cho TCty Điện lực TP.HCM số tiền tương ứng với số điện năng bồi thường là 38.475 kWh (theo giá thời điểm hiện thời là 100.229.753đ.
Về phía bị đơn, trong bản tự khai tại tòa ông Sang trình bày: Vợ chồng ông mới mở công ty chưa được 3 tháng, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là môi giới bất động sản. Song, thị trường bất động sản hiện đang đóng băng nên hoạt động rất cầm chừng, ngày 20/10/2011 một nhóm khoảng bảy, tám người thanh niên mặc đồng phục điện lực, tự ý xông vào gia đình ông.
Ngay khi vào nhà, những nhân viên này không xuất trình giấy tờ cũng như không cho biết lý do. Họ lên lầu, phá cửa và lục lọi đồ đạc. Khi vợ chồng ông Sang ngăn cản thì những người này đẩy vợ chồng ông ra khỏi phòng sau đó phá khóa cửa ban công và lục 2 tủ đồ riêng.
Tiếp đó những nhân viên điện lực lấy một máy biến thế (nhãn hiệu LIOA dòng điện 220V đầu ra 100V) tự ý đấu nối các thiết bị điện trong nhà ông, nhưng không phát hiện dấu hiệu khác thường. Ông Sang đã yêu cầu công an và tổ phó tổ dân phố đến chứng kiến.
Theo bị đơn, khi nhân viên điện lực không phát hiện ra sai phạm, họ lại tự ý cắt niêm chì của đồng hồ điện tháo hộp bảo quản đồng hồ ra (đồng hồ điện trước đó còn niêm phong chì) tự đấu nối dây nguội ngoài và quay phim, chụp hình lại. Toàn bộ quá trình diễn ra gần 4 giờ đồng hồ, sau đó họ lập biên bản với kết luận gia đình ông Sang sử dụng máy tạo dòng và sử dụng nguội ngoài dẫn đến không đo đếm điện năng chính xác và yêu cầu vợ chồng ông Sang ký vào biên bản.
Không đồng ý với kết luận của nhân viên điện lực vì cho rằng, sự việc xảy ra hoàn toàn do nhân viên điện lực tự biên, tự diễn không đúng sự thật khách quan. Nên hai vợ chồng ông không ký vào biên bản và không chấp nhận bồi thường như yêu cầu của Công ty Điện lực Tân Bình mà làm đơn khiếu nại gửi lên TCty Điện lực TP.HCM.
Hướng mới
Hiện nay vụ việc trên đang được TAND quận Tân Bình thụ lý giải quyết. Theo luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì hành động kiện khách hàng của TCty điện lực TP.HCM được coi là một động thái tích cực thể hiện sự bình đẳng và công bằng của người khách hàng và nhà phân phối, bởi trước đây, mối quan hệ này nặng tính “xin – cho”, do tính độc quyền. Tất cả từ hợp đồng, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử phạt, đều do bên Điện lực quy định, khách hàng chỉ có nhiệm vụ “đồng ý”.
Khi khách hàng vi phạm họ phải chịu hình thức và mức độ xử phạt do người bán quy định. Thậm chí trong trường hợp khách hàng không thừa nhận hành vi của mình hoặc không chấp nhận mức độ xử phạt thì họ sẽ bị cắt điện và sau đó là cưỡng chế nộp phạt.
Thì nay, vụ kiện này thể hiện quyền bình đẳng giữ công ty điện lực và người mua. Khẳng định hợp đồng mua bán điện là hợp đồng dân sự. Là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán. Mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.
Đồng nghĩa với việc này, công ty điện lực muốn kiện khách hàng của mình phải đưa ra được các chứng cứ chứng minh bên kia có vi phạm. Từ những chứng cứ này tòa án sẽ căn cứ theo hợp đồng để đưa ra phán quyết ai đúng ai sai. Theo đó bên vi phạm sẽ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại dựa vào những thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu như bên bán vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên mua (người sử dụng điện) thì cũng sẽ phải bồi thường.
(Tên bị đơn đã được thay đổi)
Hoàng Giang