F0 điều trị tại nhà cần dự trữ loại thuốc nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP HCM, vừa ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc và các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trường hợp được cấp phát thuốc là người mới mắc COVID-19 (F0) qua xét nghiệm rRT-PCR hoặc test nhanh dương tính, được phát hiện tại cộng đồng và đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.

F0 điều trị tại nhà có thể sử dụng các thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng thường gặp, gồm:

Thuốc chống sung huyết làm giảm nghẹt mũi (Phenylephrin hydrochlorid: Thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau; Xylometazolin: Thuốc tra mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Benzalkonium; Naphazolin: Thuốc nhỏ mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Diphenylhydramin và/hoặc Procain).

Thuốc kháng histamin giúp giảm tiết nước mũi (Clorpheniramin maleat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau; Loratadin, Fexofenadin: Thuốc uống làm giảm các triệu chứng chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi).

Thuốc ức chế ho (Codein: Thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, giảm đau; Sulfoguaiacol: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm hạ nhiệt, giảm đau, chống ho; Alimemazin tartrat: Điều trị các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi).

Thuốc long đàm, tan đàm (Guaiphenesin: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với tác dụng chữa ho, hạ nhiệt, giảm đau; Terpin hydrat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với codein làm loãng đàm, giúp dễ khạc đàm; Acetylcystein, Bromhexin, Carbocystein, Ambroxol: Giảm độ quánh của đàm, được dùng khi chất tiết phế quản đặc; cao khô lá thường xuân: Có tác dụng long đàm, tan đàm, chống co thắt phế quản).

Dung dịch bù nước, điện giải (pha dung dịch Oresol theo hướng dẫn trên nhãn để uống khi bị tiêu chảy, mất nước).

Thuốc hỗ trợ điều trị: Các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng hô hấp, giảm ho, sát khuẩn hầu họng.

Lưu ý, F0 khi sử dụng các thuốc ức chế ho, thuốc chống sung huyết có thể có các tác dụng phụ không mong muốn. Thuốc chống sung huyết không sử dụng trong thời gian dài. Trẻ em và người có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, bệnh tim) cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Đọc thêm