Chỉ tính từ ngày 11/10 đến 18h ngày 13/12, Hà Nội đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc COVID-19. Riêng trong 8 ngày từ ngày 6 đến 13/12 đã phát sinh thêm hơn 5.300 ca, trung bình mỗi ngày Thủ đô thêm hơn 750 ca mới. Hôm qua 13/12, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
Thủ đô đang có hơn 9.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cập nhật tới ngày 13/12, Hà Nội có gần 500 trường hợp F0 điều trị tại nhà; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện/ cơ sở thu dung điều trị; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở.
Lượng bệnh nhân tăng, số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở oxy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước.
Hôm qua 13/12, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
Ngày 9/12, thời điểm số ca mắc hàng ngày ở Hà Nội dưới 700 ca, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà dự báo những ngày tới số ca mắc có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Theo chỉ đạo mới nhất của Thường trực Thành ủy Hà Nội, chính quyền Thủ đô sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.
Thực tế, nhân lực tại một trạm y tế ở Hà Nội chỉ khoảng từ 5-10 người, quá ít so với những vai trò họ "gánh" trên vai: dịch tễ, hướng dẫn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân...
F0 tăng mạnh, Hà Nội lên phương án ứng phó khi có 2.000 - 3.000 ca/ngày
Để hỗ trợ y tế cơ sở, Thành ủy cũng chỉ đạo tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y tham gia...
Tại quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung cho biết, quận sắp đưa vào vận hành cơ sở thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với quy mô 250 giường. Cơ sở này do UBND quận vận hành.
Khu vực thu dung F0 thể nhẹ này có các khu đón tiếp bệnh nhân, khu căng tin, khu làm việc của các y, bác sĩ với hệ thống camera giám sát cũng như hệ thống loa truyền thanh để theo dõi bệnh nhân.
Tại quận này, qua rà soát, chưa tới 30% hộ gia đình đủ điều kiện thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Hiện quận đang có khoảng 50 F0 đang điều trị tại nhà.
Tại quận Hoàn Kiếm - quận vùng lõi của Thủ đô, diện tích hẹp, mật độ dân số cao, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, quận đang và chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động (Đồng Xuân, Hàng Thiếc). Từ tối 13/12, Trung tâm giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và trường tiểu học Quang Trung (số 9 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được trưng dụng để lắp ráp Trạm y tế lưu động.
Đêm qua, các nhân viên tiến hành gấp rút để chuẩn bị từ đêm 14/12 đón các F0 về điều trị tại trạm y tế lưu động số 9 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN
Những trạm này sẽ thu dung, khám, điều trị cho F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ tại quận; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Theo kế hoạch, nếu cần thiết, quận Hoàn Kiếm có thể thành lập tới 38 Trạm y tế lưu động.
Tại quận Tây Hồ, Trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (thuộc phường Xuân La) chính thức được kích hoạt, tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng, quy mô 300 giường. Cơ sở thu dung không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền.
Ngay khi kích hoạt, Trạm y tế lưu động số 1 phường Xuân La đã tiếp nhận quản lý, điều trị 45 trường hợp F0.
Dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa ban hành hướng dẫn, phân tầng điều trị COVID-19 lần thứ 4.
Cụ thể, tầng thứ 2, dành cho trường hợp mức độ trung bình. Ở tầng thứ 3 - tầng cao nhất điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang chuyển đổi công năng, thành Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường. Ngoài ra, có các bệnh viện hạng 1, tuyến thành phố và Bệnh viện Đại học Y (cơ sở Hoàng Mai điều trị COVID-19) cũng thuộc tầng 3.
Hà Nội có 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình Trạm Y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh.
Hà Nội đã thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.