Doanh nghiệp FDI xuất khẩu vượt trội
Báo cáo về “Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành gỗ Việt Nam” do Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Foresst Trends phối hợp với các Hiệp hội gỗ địa phương công bố mới đây cho thấy, bất chấp các tác động tiêu cực của Covid-19, đến hết năm 2020, ngành gỗ nhận được 63 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 327,7 triệu USD, 52 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 193,6 triệu USD, 122 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn đạt 244,8 triệu USD.
“Mặc dù các con số này đều thấp hơn năm 2019, song các con số này tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của ngành trong các hoạt động đầu tư FDI. Các con số của năm 2020 và của các năm trước đó cho thấy ngành sẽ tiếp tục là một địa chỉ tích cực về thu hút FDI…” - bà Cao Thị Cẩm (VIFOREST) nhận định.
Đáng chú ý, nguồn vốn FDI chủ yếu từ các nước châu Á và chủ yếu tập trung vào các tỉnh Đông Nam Bộ. Vốn đầu tư trung bình mỗi dự án nhỏ, và các hoạt động đầu tư tập trung vào sản xuất các sản phẩm gỗ như bàn ghế, giường, tủ, bàn ghế sofa, tủ bếp, gỗ dán… là các đặc điểm chính của các hoạt động đầu tư FDI vào ngành năm 2020. Các đặc điểm này tương đồng với năm 2019.
Năm 2020, XK của các DN khối FDI tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các DN nội địa. Khối này có 653 DN FDI trực tiếp tham gia XK, chiếm 18% trong tổng số DNXK, với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, chiếm 51% trong tổng kim ngạch XK của cả ngành.
So sánh với con số 2.676 DN và 5,9 tỷ USD về kim ngạch XK của khối DN nội địa cho thấy các DN FDI đã vượt xa DN nội địa về quy mô XK.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends, sự vượt trội này có thể là do sự khác biệt về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và quản lý, quy mô vốn đầu tư, tiếp cận thị trường của các DN FDI so với DN nội địa. “Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có đánh giá hoặc nghiên cứu nào nhìn vào các khía cạnh này. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những nghiên cứu, nhằm nắm bắt thông tin về các yếu tố tạo ra sự vượt trội và chia sẻ với khối DN nội địa…” - ông Phúc gợi ý.
Cảnh báo rủi ro
Cũng theo chuyên gia đến từ Forest Trends, mặc dù FDI hiện là bộ phận không thể tách rời của ngành gỗ, song một số hoạt động đầu tư FDI ẩn chứa rủi ro lớn và điều này đã và đang làm tổn hại tới ngành.
“Trong những năm gần đây, đặc biệt bắt đầu từ thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tình trạng “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” đã xuất hiện trong ngành. Tình trạng này diễn ra khi một số công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó XK vào Mỹ. Điều này sẽ giúp các DN Trung Quốc tránh được các mức thuế mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc...” - ông Phúc phân tích.
Số liệu thống kê cho thấy, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành gỗ trong năm qua, với số lượng lớn 23/63 dự án. Tuy nhiên, số tiền đầu tư lại khá khiêm tốn, trung bình mỗi dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc chỉ khoảng 2,27 triệu USD, giảm 37% so với năm 2019.
Được biết, trong năm 2020, nhóm nghiên cứu của Forest Trends cũng đã đưa ra một số báo cáo, cảnh báo về các khía cạnh “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” đối với mặt hàng tủ bếp, ghế sofa, gỗ của một số DN trong khối FDI…
“Đầu tư chui, đầu tư núp bóng” mang lại những rủi ro rất lớn cho ngành. Tình trạng này nếu không được kiểm soát chặt sẽ có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành trong tương lai…” - chuyên gia Forest Trends cảnh báo.
Hiện Mỹ là thị trường XK quan trọng nhất cho ngành gỗ Việt Nam. Báo cáo tổng quan xuất nhập khẩu ngành gỗ 2020 cho thấy, kim ngạch XK vào thị trường này năm 2020 lên tới trên 60% trong tổng kim ngạch XK của các DN trong cả nước.
“Điều này có nghĩa rằng biến động từ thị trường này sẽ có tác động đến toàn ngành, ảnh hưởng đến các mục tiêu mà ngành đặt ra. Đến nay, tín hiệu biến động từ thị trường Mỹ đã rõ ràng. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đang tiến hành điều tra về toàn ngành gỗ Việt theo điều khoản 301. Điều tra này một phần dựa trên cáo buộc rằng có tình trạng “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” vào ngành gỗ Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Thực tế, một số hoạt động đầu tư FDI trong các dự án mới, dự án tăng vốn mua cổ phần… tập trung vào các mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa và bộ phận của ghế sofa. Đây là các mặt hàng chứa đựng các yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ…” - chuyên gia Forest Trends cảnh báo.
Trong tháng 2 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành nhằm kêu gọi kiểm soát chặt chẽ đối với các hành vi chống gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ.
Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố kiểm tra các dự án FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưu tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro, gian lận.