FLC đầu tư khu công nghiệp hơn 2000 tỷ đồng

(PLO) - Dự án dự kiến sẽ hướng đến thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bà Trần Thị My Lan, Phó tổng giám đốc FLC giới thiệu với ông Yukio Nakamura, Chủ tịch tập đoàn Shinshu Ham và ông Shigeharu Kobayashi, Chủ tịch tập đoàn Kokusai Keike về tự án Hồ Cẩm Quỳ đang được FLC đầu tư lại Ba Vì, Hà Nội
Ngày 14/3/2014, Thường trực tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã ký công văn số 1327/TB-TU đồng ý giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tam Dương II - khu B, tại Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư lên tới 2.310 tỷ đồng.
Đây là một trong những khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Khởi đầu cho hướng đi mới
Theo kế hoạch đã được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, dự án khu công nghiệp này có quy mô 385 ha, được triển khai thành 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 100 ha, triển khai trong thời gian từ 2014 - 2017, quy mô vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng. Giai đoạn 2, diện tích 85 ha, thời gian triển khai từ năm 2016 - 2018, vốn đầu tư khoảng 510 tỷ đồng. Giai đoạn 3 của dự án sẽ triển khai nốt phần diện tích còn lại, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Trả lời về dự án này, Tổng giám đốc FLC Doãn Văn Phương cho biết: "Dự án sẽ hướng đến thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…".
Thực tế, trong thời gian qua, để chuẩn bị cho việc đầu tư khu công nghiệp, FLC đã tiếp xúc với hàng chục nhà đầu tư quốc tế có nhu cầu đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả làm việc ban đầu cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến việc trở thành đối tác của FLC, kết hợp với mở rộng kinh doanh tại khu vực này. Đã có một số nhà đầu tư quốc tế ký kết biên bản ghi nhớ với FLC về việc thuê đất xây dựng dự án tại khu B - khu công nghiệp Tam Dương trong giai đoạn 1 của dự án này.
Ông Phương cho biết, trước khi tiếp xúc chính thức với FLC, các nhà đầu tư này đã nghiên cứu, khảo sát rất kỹ vị trí địa lý cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Khu công nghiệp Tam Dương nói riêng. Theo đó, Tam Dương là huyện nằm ở khu vực trung tâm tỉnh
Vĩnh Phúc, nằm trên trục phát triển quan trọng, kết nối Sơn Dương - Tam Đảo - Việt Trì - Vĩnh Yên - Phúc Yên và thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện Tam Dương, có hệ thống các đường quốc lộ, đường tỉnh lộ (quốc lộ 2, 2B, 2C và tỉnh lộ 310, 305, 316, 306) và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đang được gấp rút hoàn thành. 
Đặc biệt, trục giao thông đối ngoại cao tốc Hà Nội - Lao Cai có 2 nút giao thông đấu nối với quốc lộ 2B và 2C tại địa bàn huyện là nút Kim Long và Đạo Tú, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho giao lưu kinh tế từ địa bàn Tam Dương đi các địa phương trong nước và quốc tế bằng đường bộ. Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội được xây dựng và hoàn thành trong thời kỳ quy hoạch tạo cho Tam Dương có lợi thế, đặc biệt là huyện ở vùng trung du, nhưng có mật độ giao thông phát triển cao hơn nhiều địa phương khác.
Chính vì vậy, một trong những ưu điểm nổi bật của khu công nghiệp này là vị trí địa lý thuận lợi, thuận tiện cho giao thương hàng hóa. Khu công nghiệp Tam Dương nằm cách sân bay Nội Bài khoảng 10 phút ô tô, cạnh trục đường Xuyên Á, cho phép các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đây dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa đi các khu trung tâm kinh tế lớn trong nước như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thái Nguyên... cũng như các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2013, đầu năm 2014, kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, tăng trưởng cao so với cùng kỳ, với các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư chủ yếu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Tỷ lệ lấp đầy tính trên diện tích đất công nghiệp đã thu hồi lên tới 70,2% đồng thời quỹ đất sạch có hạ tầng sẵn sàng cho thuê trong các khu công nghiệp của tỉnh hiện còn rất ít.
Bản thân Khu công nghiệp Tam Dương II, từ khi chưa chính thức cấp phép cho FLC xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, đã có 2 nhà đầu tư đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích sử dụng 70 héc-ta, tổng vốn đăng ký 3.948 tỷ đồng.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nhất là khi tuyến đường Xuyên Á được hoàn thành, cộng với nhu cầu sẵn có của nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như nguồn cung bất động sản khu công nghiệp đang ngày một thiếu hụt khi Chính phủ vừa có yêu cầu các địa phương “không đề xuất bổ sung khu công nghiệp mới”, sức cầu thuê địa điểm tại khu công nghiệp Tam Dương chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Với việc giao cho FLC - một tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư, kinh doanh hạ tầng tại đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng hy vọng biến khu công nghiệp Tam Dương trở thành khu công nghiệp trọng điểm, xứng với vị thế là một trong những khu công nghiệp được ưu tiên phát triển trong quy hoạch các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2015 - 2020.
“Đầu tư xây dựng bất động sản khu công nghiệp là một trong những hướng đi trọng tâm của Tập đoàn FLC trong thời gian tới. Với vị trí chiến lược cửa ngõ thủ đô của tỉnh Vĩnh Phúc và hạ tầng giao thông đã tương đối hoàn thiện xung quanh khu công nghiệp Tam Dương, chúng tôi rất tin tưởng vào thành công của dự án này, tạo đà cho FLC tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghiệp trên nhiều địa phương khác”, ông Phương cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản 2014, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cũng cho rằng, phân khúc thị trường có triển vọng nhất trong năm nay có thể là đất khu công nghiệp. Sự kỳ vọng đó dựa trên nhu cầu tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư vào Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài.
"Đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến thị trường Việt Nam để thuê đất xây dựng khu công nghiệp. Bởi vì tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn để thuê mặt bằng hợp lý như chế độ ưu đãi của Chính phủ, chuỗi cung ứng có sẵn, giá cả giữ ổn định", ông Richard Leech nói.
Hơn nữa, theo ông Richard Leech, Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt lên, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng qua sân bay hoặc hải cảng. Khoảng cách từ Việt Nam đến thị trường lớn Trung Quốc tương đối ngắn, là một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Và những khu công nghiệp khác
Ông Doãn Văn Phương cho biết, ngoài Khu công nghiệp Tam Dương II, FLC sẽ tham gia đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp khác, trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn các dự án có tính khả thi cao, thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư tới kinh doanh. "Tới đây, FLC sẽ mở rộng đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp tại các địa bàn khác như Quảng Bình và một số địa phương.
 Ông Kenichi Kato, Chủ tịch Tập đoàn Rokutesou Industry và ông Asano, Tổng giám đốc Tập đoàn Hokota Juki làm việc với FLC về kế hoạch hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản
Kinh tế vĩ mô ổn định, có tốc độ tăng trưởng khá, chính sách, thủ tục thu hút đầu tư ngày càng được sửa đổi theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn là những yếu tố hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đó sẽ là cơ sở nền tảng để hoạt động đầu tư vào khu công nghiệp có điều kiện phát triển", ông Phương nhận xét.
Giữa tháng 2 vừa qua, FLC đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để tăng vốn điều lệ lên trên 1.500 tỷ đồng. Và để phục vụ nguồn vốn cho hàng loạt dự án của mình, FLC cũng có nhiều kênh huy động vốn khác, bao gồm: phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, vay vốn ngân hàng. Ngay đợt phát hành này, FLC cho hay đã nhận được sự quan tâm và bày tỏ nguyện vọng tham gia đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Quỹ GEM Global Yield của Mỹ...
"Tăng vốn điều lệ là một hướng đi. Với đặc điểm gần như chưa sử dụng vốn vay, nên huy động vốn từ ngân hàng, phát hành trái phiếu cũng là một hướng đi mà FLC sẽ sử dụng để phục vụ nhu cầu vốn dự án. Dự kiến, đến ngày 24/3, GEM Global Yield Fund sẽ ký hợp đồng đầu tư khoảng 40 triệu USD vào FLC", ông Phương cho biết.

Đọc thêm