Người Mỹ sẽ bắc thang trèo lên mặt trăng?

(PLO) - Một chiếc thang máy đi lên Mặt trăng có vẻ như là ý tưởng điên rồ nhất mà người ta từng nghĩ tới. Tuy nhiên theo các chuyên gia Mỹ, ý tưởng này lại hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Mô phỏng một chiếc thang máy vũ trụ ở Trái đất. Các chuyên gia tin rằng xây thang máy vũ trụ lên Mặt trăng sẽ giúp xây thang máy vũ trụ dưới Trái đất dễ dàng hơn.
Mô phỏng một chiếc thang máy vũ trụ ở Trái đất. Các chuyên gia tin rằng xây thang máy vũ trụ lên Mặt trăng sẽ giúp xây thang máy vũ trụ dưới Trái đất dễ dàng hơn.
Ý tưởng mang tính cách mạng
Một chiếc thang máy vũ trụ đi tới bề mặt Mặt trăng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí nâng cao độ tin cậy của việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị lên vệ tinh này của Trái đất. Một chiếc thang máy như thế còn giúp vận chuyển hàng hóa, vật liệu từ Trái đất lên Mặt trăng và ngược lại dễ dàng hơn nhiều. Rất nhiều loại vật liệu quan trọng cũng sẽ được lấy từ Mặt trăng rồi gửi lại Trái đất một cách dễ dàng hơn nhiều việc khai thác chúng trên hành tinh của chúng ta.
Những ý tưởng trên hoàn toàn không quá xa xôi, theo quan điểm của công ty LiftPort Group ở Seattle, Washington, Mỹ. Công ty vừa phác thảo một bộ khung ý tưởng chiến lược, kêu gọi việc thiết lập cái gọi là Cơ sở hạ tầng Thang máy vũ trụ lên Mặt trăng (LSEI). 
Ý tưởng của LiftPort trong việc xây dựng LSEI gồm việc dùng một con tàu vũ trụ bay lên không gian và đóng vai trò mỏ neo. Từ đây nó sẽ thả một đoạn cáp thật khỏe xuống gắn chặt lấy bề mặt của Mặt trăng. Một hệ thống vận chuyển hàng sơ khai sẽ được hình thành sau đó, khiến hoạt động chuyển hàng nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt trăng trở nên khả thi. 
Công ty nói rằng sau khi thiết lập hệ thống vận chuyển ban đầu, Trái đất tiếp tục phóng tên lửa mang theo linh kiện cần thiết bay lên vũ trụ để lắp ráp chiếc thang máy vũ trụ tới Mặt trăng hoàn chỉnh. Khi đi vào hoạt động, thang máy này hoàn toàn có thể đưa một lượng lớn con người và thiết bị tới "nhà của chị Hằng". 
Sử dụng các mô hình dự báo, những người đứng sau LSEI thậm chí đã tính được rằng chương trình có thể chuyển hơn 30 người lên Mặt trăng mỗi năm, ngay trong những năm đầu thang máy đi vào hoạt động.  "Chúng tôi đang có những tiến triển đều đặn" - Michael Laine, chủ tịch LiftPort Group nói - "Tôi nghĩ Mặt trăng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm mới trong năm ngoái". 
Laine chỉ ra việc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới triển khai chương trình Vận tải hàng và hạ cánh mềm lên Mặt trăng (Lunar CATALYST), nhằm khai phá khả năng chuyển hàng thương mại lên bề mặt "nhà của chị Hằng". Laine cũng nói rằng vốn từ chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp như của ông mang tên Kickstarter đã giúp công ty tập trung nghiên cứu ý tưởng xây dựng thang máy Mặt trăng. 
Hiển nhiên Liftport vẫn thấy vô số thách thức trước mắt. Tuy nhiên Laine đã tổng kết trên trang web của công ty rằng: "Có những khác biệt khổng lồ giữa khó khăn, vô cùng khó khăn và không thể thực hiện". 
Rất nhiều thách thức
Một người hẳn nghĩ rằng việc xây dựng thang máy vũ trụ trên Trái đất đã là chuyện vô cùng khó khăn, chưa nói gì đến Mặt trăng. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng xây dựng thang máy lên Mặt trăng nên làm trước và nó sẽ giúp xây dựng thang máy vũ trụ dưới Trái đất, dù đây đều là những việc không dễ. 
"Triển vọng của thang máy vũ trụ trên Trái đất đã tươi sáng hơn trong giai đoạn hiện nay, nhưng thách thức còn rất nhiều" - Jerome Pearson, chủ tịch công ty STAR ở South Carolina và là cha đẻ ý tưởng thang máy vũ trụ cho biết. 
Ông nói rằng danh sách các khó khăn gồm việc tạo ra một đoạn cáp rất dài, khỏe, dựa trên vật liệu là các ống composite cấp độ nano; tính toán các yếu tố khí động của đoạn cáp có chiều dài tối thiểu 100.000 km và các thiết bị ở trên nó, cũng như vấn đề các mảnh rác vũ trụ nằm ở quỹ đạo thấp của Trái đất có thể phá hủy đoạn cáp của thang máy. 
Dự án ElectroDynamic Debris Eliminator (EDDE) của Pearson hiện đang nhắm tới mục tiêu dọn dẹp sạch rác vũ trụ. Ông tin rằng EDDE, về cơ bản là một con tàu vũ trụ với tính cơ động cao, có thể dọn dẹp sạch các mảnh rác vũ trụ nguy hiểm với đường kính hơn 10cm, khỏi quỹ đạo thấp của Trái đất trong từ 10-15 năm tới. 
Ông cũng cho rằng chiếc thang có thể được chế tạo bằng vật liệu composite rất khỏe đang tồn tại hiện nay, thay vì chờ các đoạn cáp dùng ống carbon nano. Đặc điểm khí động của thang cũng có thể được kiểm tra trên Mặt trăng và như thế sẽ không gây nguy hiểm cho các vệ tinh - trở ngại có thể gặp ở Trái đất. 
Thêm vào đó, thang máy Mặt trăng có thể được dùng để chuyển một lượng lớn đá Mặt trăng tới quỹ đạo cao của Trái đất và dùng làm đối trọng cho thang máy vũ trụ của Trái đất. "Việc dùng đá Mặt trăng làm đối trọng giúp người ta không phải tính tới chuyện sử dụng thiên thạch làm đối trọng hay mang đối trọng từ Trái đất lên" - ông giải thích. 
Pearson tự tin tuyên bố - "Hoạt động phát triển Mặt trăng sẽ dẫn tới việc khai thác đá, nước ở vùng cực Mặt trăng và cả helium 3 dùng cho điện nguyên tử. Vì thế tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có thang máy vũ trụ Mặt trăng vào năm 2025 và nó sẽ mở đường cho việc xây dựng thang máy vũ trụ trên Trái đất".
 Yếu tố thay đổi cuộc chơi
Năm ngoái các nhà nghiên cứu Mặt trăng Mỹ đã viết thư cho Quốc hội, kêu gọi việc chinh phục lại Mặt trăng để phục vụ nghiên cứu khoa học và khai thác thương mại. Họ cảnh báo nếu phớt lờ Mặt trăng, Mỹ sẽ đối mặt với những tác động tiêu cực tới kinh tế và an ninh quốc gia. 
Họ chỉ ra rằng Mặt trăng có lượng khoáng sản dồi dào có thể được dùng để giảm bớt chi phí thám hiểm Thái dương hệ. Các khoáng sản có thể dùng để phục vụ cho hoạt động công nghiệp và công nghệ dưới Trái đất, giúp tạo ra nhiều việc làm và của cải.  
Quả thực Mặt trăng hiện là mỏ khoáng quan trọng, chứa nhiều vàng, bạc, đất hiếm, helium-3 và cả khí oxygen. Tuy nhiên Charles Radley, cố vấn kỹ thuật của LiftPort Group nói rằng hạ cánh xuống Mặt trăng bằng tên lửa không rẻ. Việc lắp đặt thành công thang máy vũ trụ trên Mặt trăng được dự báo có thể giúp giảm chi phí này xuống 6 lần. 
"Công nghệ thang máy vũ trụ lên Mặt trăng sẽ là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" sẽ giúp mở ra khai thác thương mại" - Radley nói - "Thang máy Mặt trăng sẽ có thể giảm chi phí khai thác khoáng sản trên Mặt trăng xuống bằng mức dưới Trái đất". 
Radley cũng chỉ ra rằng các loại khoáng sản như đất hiếm có vai trò quan trọng với ngành quốc phòng và công nghệ. Hiện 96% đất hiếm tới từ Trung Quốc. "Hiện chỉ có vài nguồn đất hiếm thay thế và Mặt trăng là một trong số đó" - ông nói.